26.7 C
Ho Chi Minh City
Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024

Những kiến thức cần có của 1 Hoằng Pháp Viên Thời Kỹ Thuật Số 4.0 của một Hoằng pháp viên thời đại công nghệ số.

Thời Cách mạng công nghệ 4.0 đối với PGVN là một thách thức lớn và đòi hỏi đội ngũ tăng ni sớm tiếp cận khoa học, thức thời kế thừa mạng mạch Phật pháp nhằm xiển dương Phật giáo theo định hướng mới, Hoằng pháp viên thời đại kỹ thuật số cần phải không ngừng học tập và nắm bắt để hội nhập, nếu không muốn bị bỏ rơi lại phía sau, bị chê là lạc hậu (?!). Hoằng pháp có thành công hay không tuỳ thuộc vào năng lực Ba la mật của mỗi HPV.

Những tiêu chí cần có  của Hoằng pháp viên
thời đại công nghệ số
. Bài & Ảnh: Đại Đức Tiến Sĩ Thiện Minh
         Chơn Minh PV-PSO

I. Đặt vấn đề:
          Đất nước Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên bắt đầu thời đại kỹ thuật số (digital era). Phật giáo đều phải tức tốc chuyển mình để hội nhập vào dòng chảy của khoa học, kỹ thuật một cách toàn tâm toàn ý, cả trí tuệ lẫn tài chánh để có thể hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa và đặc biệt nhất là trong thời dịch bệnh Covid 19 đang hoành hành.Thời covid nhân loại bị hạn chế tiếp xúc nhau mặt đối mặt, thì thuật ngữ “Đối mặt online” bỗng dưng lại trở nên “hot” nhất! Để rồi chúng ta vẫn giao tiếp với nhau trên một không gian ảo (Cyber space).
su TM.jpg (239 KB)

Chân dung Thiền sư Hoằng pháp viên Thiện Minh

             Sự việc này đối với PGVN là một thách thức lớn và đòi hỏi đội ngũ tăng ni sớm tiếp cận khoa học, thức thời kế thừa mạng mạch Phật pháp nhằm xiển dương Phật giáo theo định hướng mới, để không những bảo vệ nét chân truyền của giáo pháp Phật, mà còn đưa giáo pháp tới mọi ngóc nghách và cả góc khuất của cuộc sống.Những đổi mới mà thiết nghĩ rằng các tầng lớp tăng sĩ Trưởng lão và đại Trưởng lão U60, U70, U80 chưa hề tưởng tượng nổi.Hoằng pháp viên thời đại kỹ thuật số cần phải không ngừng học tập và nắm bắt để hội nhập, nếu không muốn bị bỏ rơi lại phía sau, bị chê là lạc hậu.
Thời “ thuyết pháp off line” dạng  “cổ xưa” dần dần sẽ phải nhường chỗ “thuyết pháp online” lên ngôi. Nói một cách khác thuyết pháp online chính là “Một Đại Pháp Bảo Đàn” với vô hạn lượng về không gian và thời gian.
    Việc hoằng pháp có thành công mỹ mãn hay không tuỳ thuộc vào năng lực Ba la mật của mỗi HPV.Vậy để hiểu rõ vấn đề này trên tầm vĩ mô và vi mô như thế nào ? khi chủ thể và đối tượng của hoằng pháp là Tăng sĩ và Phật tử.
Cách thức tương tác theo kiểu mới diễn tiến ra sao? và tính hiệu quả của hoằng pháp online đòi hỏi phải mất bao lâu? Có nghĩa là cần có thời gian mới khẳng định được giá trị tâm linh và hiệu quả của giải pháp trực tuyến này. Về phía Phật tử do nhu cầu học pháp, chắc hẳn dần dần rồi cũng sẽ làm quen với thuật từ “online”, và nó được xem như một giá trị mới để khẳng định tầm ảnh hưởng việc hoằng pháp của quý Tăng sĩ đến cư sĩ trong cõi giới này. 
II.  Vai Trò của Hoàng pháp viên (HPV) xưa: 
         Thuở xưa thời Đức Phật còn tại thế thì thuyết pháp là nghe lời Phật dạy, hay giảng các phương pháp tu hành do Đức Phật trao truyền. Nói cách khác là hàng Tỳ kheo đệ tử Phật giảng cho các đệ tử hoặc quần chúng mộ đạo để tu cho đúng pháp.([1])Thuyết pháp có 3 mức độ:
a. Đối với quần chúng lao động bình thường: Căn cơ còn thấp, HPV thuyết giảng giúp đưa con người sống đúng đạo làm người, sống bình đẳng, biết tôn trọng lẫn nhau yêu thương nhau, xây dựng gia đình hạnh phúc, biết góp phần xây dựng quốc gia và xã hội tươi đẹp,…phồn vinh. Hình thức thuyết pháp đôi khi cần phải cho nhiều ví dụ, cần thiện xảo để chứng minh thực tế,v.v
b. Đối với người trí thức: Căn cơ cao hơn, HPV nên thuyết để con người biết sống tu hành hưởng an lạc ngay trong đời nầy, và đời sau được tái sanh về với cảnh giới chư thiên hạnh phúc lâu dài hơn, thù thắng hơn. Thuyết pháp lúc này là có thể dẫn chứng nguyên bản lời Phật dạy (không cần phải giải thích hay chứng minh nhiều) để tu Thiền Định, để ghi nhớ bằng chữ viết, bằng băng đĩa,….
c. Đồi với người có căn cơ tu cao hơn:HPV thuyết đạo giải thoát, con người tu tập chỉ hướng về một con đường là giải thoát, dập tắt nghiệp chướng, không còn sinh tử luân hồi, và chính đây cũng là mục đích rốt ráo cao tột cuối cùng của đạo Phật. Thuyết pháp lúc này đôi khi là hình thức hướng dẫn tu Thiền định và Thiền Tuệ (Vipassana) lý giải sâu xa về các pháp vi diệu,“các tiến trình của Tâm thức” các tầng Thiền Định, Trí tuệ đạo và Trí tuệ quả,… theo Abhidhamma (vi diệu pháp)

TM 1.jpg (114 KB)

              Hiểu theo một nghĩa khác Thuyết Pháp (hay còn được gọi là Giảng Pháp) là hình thức sử dụng ngôn ngữ chuyển tải giáo pháp của Đức Phật đến tứ chúng và cộng đồng. Thông qua ngôn ngữ trí tuệ giáo pháp sẽ thâm nhập vào tư duy của hành giả, và tâm trí chúng sanh, cốt làm cho khởi nguồn trí tuệ, phát khởi tín tâm, hiểu được quy luật chân lý, chuyển khổ thành vui, chuyển mê thành ngộ, chứng quả giải thoát. Lời nói dưới dạng dẫn chứng kinh điển, biện minh, giải bày Chánh pháp với một vài người, hay giữa công chúng, giữa một Pháp hội với tâm nguyện chia sẻ điều lợi ích quý báu từ lời Phật dạy, từ lời những bậc hiền trí đến người nghe có thể gọi là Thuyết Pháp.
HPV tùy theo căn tánh của mỗi chúng sanh mà Thuyết pháp, và tuỳ theo bối cảnh lúc thuyết mà cần phải nhu nhuyến khế hợp để mang lại nhiều lợi ích như: Tiểu pháp; Trung pháp, hay Đại pháp và được áp dụng hài hoà với tứ khế (khế thời , khế lý, khế cơ và khế xứ). 
III. 
Khái niệm về công nghệ 4.0 những đòi hỏi:
Cuộc sống xã hội con người tiến hóa qua từng giai đoạn và được đánh dấu bằng các cuộc cách mạng công nghiệp. điển hình có 4 nền cách mạng công nghiệp([2])
          1. Cách mạng công nghiệp đầu tiên 1.0: Về sản xuất cơ khí – máy hơi nước.
          2. Cách mạng công nghiệp 2.0 : Về sản xuất hàng loạt máy móc dựa vào năng lượng điện
          3. Cách mạng công nghiệp 3.0: Về sản xuất tự động (automation) với máy tính điện tử và cách
              mạng số hóa (digitalizing revolution).
          4. Cách mạng công nghiệp 4.0: Về sản xuất thông minh với trí tuệ nhân tạo .(artificial intelligence) Khái niệm Công nghiệp 4.0 hay nhà máy thông minh lần đầu tiên được đưa ra tại hội chợ công nghiệp Hannover tại Cộng hòa Liên bang Đức vào năm 2011. Công nghiệp 4.0 nhằm thông minh hóa quá trình sản xuất, và quản lý trong ngành công nghiệp chế tạo.  Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay còn gọi (Cách mạng công nghiệp 4.0) là sự kết hợp các công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa, và sinh học.([3]) .Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 46 đã chính thức khai mạc tại thành phố Davos-Klosters của Thụy Sĩ, với chủ đề “Cuộc CMCN lần thứ 4”. Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã đưa ra một định nghĩa mới, mở rộng hơn là: “Nhân loại đang đứng trước một cuộc cách mạng công nghiệp mới, có thể thay đổi hoàn toàn cách chúng ta đang sống, làm việc và quan hệ với nhau. Quy mô, phạm vi và sự phức tạp của lần chuyển đổi này không giống như bất kỳ điều gì mà loài người đã từng trải qua trong bối cnh toàn cầu hóa”. Hiện nay, công nghiệp 4.0 trở thành một phần quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bản chất của CMCN lần thứ 4 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh, để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất, đồng thời nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy, v.v… Cuộc CMCN thứ 4 hay Công nghiệp 4.0, là xu hướng hiện tại của tự động hóa (Automation Trend) và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống mạng vật lý, mạng Internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây. Công nghiệp 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các “nhà máy thông minh” hay “nhà máy số”, các thành phố thông minh, v.v…
IV. Những tiêu chí cần có của một giảng sư (HPV) thời 4.0.
Thuyết pháp là nghệ thuật nói nhằm chuyển tải thông điệp của Đức Phật đến người nghe, do đó đòi hỏi HPV 02 vấn đề quan trọng:

  • Kỹ năng giao tiếp.
  • Kỹ năng diễn thuyết: Tương thông được giữa người nói và người nghe
    Tính chất của diễn thuyết: Theo TT. Thích Thiện Thuận thì HPV cần phải hội đủ 3 tính chất sau:
    a. Tính chất 1: Phải có tính sư phạm (Pedagogical feature)Để nhận ra được biểu cảm của người nghe bằng các giác quan, biết cách truyền thụ cho người nghe thiện xảo.
    b. Tính chất 2: Phải có oai nghi, tế hạnh, trang nghiêm (Stately gesture) HPV phải tạo được một phong thái riêng, sự nghiêm trang tạo nên niềm tin và cảm tình của thính chúng. HPV phải thật sự tự tin và điềm tĩnh trước đám đông.
    c. Tính chất 3: Chú ý tới ngữ điệu và nội dung thuyết giảng  (Be aware of Intonation and preaching contents)
            C.1 Ngữ điệu:Ngữ điệu và biểu cảm đi đôi với nhau. HPV nên sử dụng tiếng mẹ đẻ, hạn chế dùng tiếng địa phương (Dialect). Trong lúc pháp phải biết nhấn nhá lên xuống. HPV nên dùng ngôn ngữ phổ thông chính xác, nhả chữ rõ nghĩa, và rõ lời, chú ý thay đổi tốc độ nói tùy từng lúc, tùy tình huống hoàn cảnh. Nói chuyện gần gũi không sa đà vào sâu và xa rời chủ đề hiện tại. Cần phối hợp tinh tế giữa ngữ điệu và biểu cảm.
             C.2 Nội Dung diễn giảng (Preaching contents):
    + Chọn lọc nội dung cho phù hợp với đối tượng thính chúng, phù hợp hoàn cảnh, phù hợp với thời gian, v.v…
    + Chọn những đề tài phổ thông phù hợp với nhiều người.
    + Bố cục thuyết giảng cần rõ ràng, tăng cường sự tín tâm của Phật tử
    + Lập luận đơn giản dễ hiểu và phải có trích dẫn cụ thể rõ ràng trong kinh, với những minh  họa thực tế.
    e46b338ab2e73b889dad4f64dd549c95.jpg (174 KB)
    ( Hình Minh Họa Bài Báo)
    Ngoài ra Theo HT Bửu Chánh (Phó ban HP-TWGHPGVN) Muốn thuyềt giảng hay và thành công HPV cần có những tiêu chí sau:
  1. Phải chuyên cần thuyết giảng mỗi ngày: Để nói pháp nhiều cho nhuần miệng, nghe pháp nhiều cho nhuần tai, tư duy nhiều cho nhuần ý.
  2. HPV phải yêu nghề, phải thích thuyết giảng.
  3. HPV phải học thuộc lòng giáo pháp.
  4. HPV phải có đầy đủ oai nghi, giới hạnh.
  5. HPV phải có giọng nói thu hút và truyền cảm.
  6. HPV phải có ngoại hình dễ coi.
  7. HPV phải tôn trọng thính giả và không nên xem thường họ .
    Đề tài thuyết giảng phải an toàn, không gây hiểu lầm. Cần phải có dẫn chứng tài liệu bậc  01 – tài liệu gốc – tài liệu cổ xưa – vì “nói có sách mách có chứng”.
  8. HPV phải ứng xử tình huống khéo léo, vui vẻ.
  9. Bài pháp phải có tính chất hài mang tính chất giáo dục đạo đức, trí tuệ, …
  10. HPV phải biết kềm chế không để tâm bất thiện (Tham, sân, si) khởi lên,…
  11. HPV phải sử dụng văn chương, biết ráp ca dao, tục ngữ thơ văn trong hoằng pháp nhằm lựa chọn lời hay ý đẹp.
  12. Bài pháp phải có mục đích lợi ích, giải thoát đau khổ cho hành giả, vấn đề đưa ra phải rõ ràng minh bạch và có biện pháp giải quyết.
  13. HPV phải biết tạo tình huống bất ngờ để dẫn chuyện.
  14. HPV phải biết nắm vững công nghệ thông tin thích ứng với thời đại 4.0. Sử dụng phương tiện truyền thông thiện xảo, 
  15. HPV phải biết cập nhật thông tin ngoại điển.
  16. Bài pháp phải có tính thực tế, phải có tính truyền thông và phải được minh họa.
  17. HPV phải biết tu thiền để phát sinh trí tuệ.
  18. HPV phải có trình độ Phật học như Trung cấp hay cao cấp Phật học,…
  19. HPV khi thuyết pháp phải có dàn bài rõ ràng. Không được tự tán và chê bai người khác
  20. HPV phải có thân giáo tốt.
  21. HPV phải bổ túc Pali và chữ Hán trong khi thuyết pháp.
  22. HPV phải nói những gì người ta cần nghe, chứ không phải nói những gì người ta đã nghe.
  23. HPV phải biết dùng từ ngữ chính xác.
  24. HPV phải biết dùng ngôn ngữ dân gian, bình dân,…

Từng ấy tiêu chí theo TT. Thiện Thuận và HT. Bửu Chánh đều là những trái nghiệm quý báu, những kinh nghiệm thu thập được qua nhiều năm thuyết gỉảng. Môt HPV bước đầu tập sự chỉ cần lĩnh hội được 1/3 hay một nữa cũng là đáng quý và trân trọng.
V. Kết luận:
          Thế giới hôm nay đang đổi thay để vươn lên một tầm cao mới, khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ vượt bậc, đời sống con người được cải thiện và nâng cao. Nhưng bên cạnh đó cũng kéo theo những hệ lụy không nhỏ cho từng cá nhân trong xã hội.Những xu hướng sống không lành mạnh, chạy theo lợi lộc vật chất, trào lưu hưởng thụ, các tệ nạn xã hội như nghiện ngập, trộm, cướp, hiếp, giết người… ngày một  tràn lan. Những thay đổi và các xu hướng đó đang từng ngày từng giờ tác động một cách mạnh mẽ vào đời sống người tu sĩ, nhất là trong lãnh vực đời sống tâm linh. Điều đó mang lại một thử thách lớn đến cho quý tu sĩ – những tấm gương lành mô phạm giữa loài người – cho những ai có nguyện vọng cao quý dấn thân cho lý tưởng lợi mình và lợi ích đến tha nhân.([4])Làm sao để sống trong thế gian, để hòa nhập chứ không hòa tan là một thách đố rất lớn, và vô cùng lớn lao đối với người tu sĩ cao quý trong thời đại @ và 4.0 hôm nay.
Điều đó cho phép người tu sĩ có quyền chọn lựa và phải quyết định nỗ lực tinh tấn lội ngược dòng mỗi ngày, hoặc buông tay để nước cuốn trôi!Hình ảnh HPV thời 4.0 như được tháp thêm đôi cánh, và một đôi hia 7 dặm trên bước đường đưa đạo Phật vào thế gian, chí đến khắp hang cùng ngõ hẹp một cách tích cực nhằm tốt đời đẹp đạo.Sống trọn vẹn cuộc đời dâng hiến quả là một lộ trình đầy chông gai và nhiều gian nan thử thách.
Việc duy trì gìn giữ Thánh đức là vô cùng tối ưu, là hàng đầu trong sự nghiệp tự lợi lợi tha của hàng sứ giả Như Lai.HPV cần nhu nhuyến phân biệt đâu là phương tiện thiện xảo KHKT,… đâu là cứu cánh tối ưu để không ngừng cũng cố, và nâng tầm mình trong đời sống Thánh đức cao quý, để làm mô phạm, để phục vụ nhân loại, để phục vụ chúng sanh, và cũng chính là để cúng dường Ba đời Chư Phật một cách cao thượng và phúc đức nhất.

Liên quan

Theo Dõi

0FansLike
0FollowersFollow
172SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

Bài mới