26.7 C
Ho Chi Minh City
Thứ ba, Tháng mười 8, 2024

Phật giáo Theravāda Việt Nam, những thay đổi hành pháp từ khi du nhập đến nay

Bài viết tham dự Hội thảo khoa học “Hoà Thượng Danh Nhưỡng: Cuộc đời đạo nghiệp và những đóng góp cho đạo pháp và dân tộc”, chùa Candaraṅsī trong đời sống văn hóa của người Khmer Nam Bộ và vai trò kết nối Phật giáo quốc tế do Viện Nghiên cứu Phật học VN, thuộc Giáo Hội Phật giáo VN và Trường Đại học KHXH-NV phối hợp tổ chức ngày 26-8-2022 tại chùa Candaransi (quận 3, TPHCM)

Tóm tắt

Từ rất sớm, Phật giáo du nhập Việt Nam qua hai ngã Ấn Độ và Trung Quốc, hội tụ cả hai truyền thống Phật giáo Nam tông và Bắc tông. Trải qua trên hai ngàn năm tồn tại và phát triển, dưới các triều đại, Phật giáo Việt Nam đã trải qua bao thăng trầm biến đổi về hành pháp. Chúng tôi xin giới thiệu khái quát những biến đổi hành pháp thăng trầm ấy trong tiến trình phát triển thực hành pháp của lịch sử Phật giáo Việt Nam với Phật giáo Nam tông Kinh và Phật giáo Nam tông Khmer ở một vài điểm nổi bật như đọc kinh bằng ngôn ngữ Pali kết hợp với ngôn ngữ Khmer và tiếng Việt trong mỗi tự viện một cách hài hòa, phù hợp trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Từ khóa: Phật giáo Việt Nam; Bắc tông, Nam tông Kinh và Nam tông Khmer.

Dẫn nhập

Phật giáo Việt Nam du nhập trên 2.000 năm, trong suốt quá trình ấy trải qua bao biến đổi về chùa tháp và hành trì pháp, số lượng chư Tăng không ngừng tăng do biến động về thời gian và chính trị tác động vô cùng lớn. Chúng tôi xin khái quát sự tác động ấy nhằm chỉ ra nguyên nhân gây nên sự thay đổi về tôn giáo và thực hành tôn giáo ở Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là sự hình thành, hội nhập và phát triển lớn mạnh của Phật giáo Theravada tộc người Khmer năm 1948 và Phật giáo Nguyên thủy người Kinh năm 1938 ở Sài Gòn vào những năm nửa đầu thế kỷ XX.

  1. Phật giáo du nhập, phát triển thành Quốc giáo thời Lý-Trần và Nho giáo từng bước thay thế vai trò chính trị xã hội của Phật giáo

Từ thế kỷ thứ II trước Tây lịch, Phật giáo du nhập Việt Nam trực tiếp từ Ấn Độ, trước cả Trung Quốc. Đến thế kỷ X, Phật giáo Việt Nam vẫn được xem là giai đoạn du nhập.

Năm 544, Lý Bí lên ngôi Vua, lấy hiệu Lý Nam Đế, “phò Vua cứu nước” giữ yên bờ cõi có chư Tăng và quần chúng tín đồ, để tỏ lòng đền đáp biết ơn, Vua dựng chùa lớn tên Khai Quốc (nay là chùa Trấn Quốc, Hà Nội). Điều này minh chứng Phật giáo đã dần ăn sâu trong lòng dân mà còn là nền tảng tâm linh quần chúng tín đồ gắn với tinh thần dân tộc, là cơ sở quan trọng cho tinh thần dân tộc phát triển suốt sáu thế kỷ ảnh hưởng Trung Hoa. Song giai đoạn này các nhà truyền giáo Ấn Độ giảm dần, ngược lại các phái thiền Trung Hoa theo chân các nhà sư vào Việt Nam cụ thể như:

Cuối thời hậu Lý Nam Đế, khoảng năm 580 một nhà sư Ấn Độ vào Việt Nam tu tại chùa Pháp Vân (tỉnh Bắc Ninh) tên Tỳ Ni Đa Lưu Chi.

Năm 820, phái Thiền Vô Ngôn Thông truyền vào Việt Nam tại chùa Trấn Quốc (Hà Nội) và trở thành Tổ sư của phái thiền này.

Năm 938, Ngô Quyền lên ngôi Vua hết lòng nâng đỡ Phật giáo phát triển trong lòng dân, trước đó Phật giáo đã phát triển giờ càng mở mang thêm khi nhà Ngô kế vị, mở đường cho sự “nhập thế” những vị tăng tài dựng nước và giữ nước ở các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần…

Từ thế kỷ X, Việt Nam độc lập, hoàn toàn tự chủ sau ngàn năm phương Bắc cai quản (179 trước Tây lịch-939 sau Tây lịch), Phật giáo sang bước ngoặt mới. Dưới triều đại Đinh, Lê, dù không công khai Quốc giáo nhưng công nhận Phật giáo là tôn giáo chính của cả nước. Các triều Vua Đinh, Lê có nhiều chính sách ủng hộ đạo Phật. Đặc biệt Vua Lê Đại Hành và Vua Đinh Tiên Hoàng đã trọng dụng và phong thưởng cho nhiều nhà sư có công giúp Vua lo việc triều chính.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế (Đinh Tiên Hoàng). Năm 971, niên hiệu Thái Bình, Vua Đinh Tiên Hoàng triệu tập cao tăng ban Ngô Chân Lưu chức Tăng thống đứng đầu Phật giáo cả nước và ban hiệu Khuông Việt Đại sư (khuôn mẫu cho nước Việt). Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết: “…cho Tăng thống Ngô Chân Lưu làm Khuông Việt đại sư..[1] ”.

Triều Vua Lê Đại Hành (980-1005), Khuông Việt đại sư được kính trọng, sư đều được mời tham dự các việc quân việc nước của triều đình. Khuông Việt đại sư đã thay mặt triều đình ngoại giao với nhà Tống, tiễn sứ Lý Giác về nước với bài Vương Lang Quy, nổi tiếng[2]. Bên cạnh đó, Vua Lê Đại Hành còn mời Thiền sư Đỗ Pháp Thuận, tham gia triều chính trong việc đối nội, đối ngoại.

 Ở triều Đinh – Lê ngoài trọng dụng chư tăng, khuyến khích Phật giáo phát triển. Vua Lê Đại Hành và Đinh Tiên Hoàng cho xây dựng nhiều chùa tháp vùng Hoa Lư trở thành trung tâm Phật giáo lớn cả nước bên cạnh trung tâm kinh tế – chính trị – xã hội Trung ương.

Năm 1010, Thiền sư Vạn Hạnh đưa Lý Công Uẩn lên ngôi Vua khi nhà Lê  trên đà suy vong. Lý Công Uẩn có nguồn gốc từ thiền môn nên hết lòng ủng hộ Phật giáo và đây là triều đại Quốc giáo đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1010, ông cho xây dựng chùa ở Thăng Long như Thiên Phủ, Hưng Long… Dưới triều Lý có nhiều nhà sư nổi tiếng về phẩm hạnh và có những đóng góp cho đất nước như sư Vạn Hạnh được Lý Thái Tổ phong Quốc sư; Huệ Sinh được Lý Thánh Tông phong Tăng thống…

 Bên cạnh đó, nhà Lý còn tôn vinh nhiều vị Thiền sư khác như: Ỷ Lan phong Quốc Sư cho Thiền sư Thông Biện. Thiền sư Viên Thông cũng được phong Quốc sư và được trao quyền lãnh đạo đất nước thay Vua tới hai lần. Như vậy, nhà Lý đã đưa đạo Phật góp phần trong việc giữ và dựng nước làm cho phong tục, tập quán có phần độ lượng, thuần từ vững chắc trong nhân dân.

Dưới triều Trần, kế thừa triều Lý, Phật giáo Việt Nam phát triển cực thịnh và trở thành Quốc giáo, tham gia lãnh đạo đất nước, là lực lượng chủ yếu đoàn kết nhân dân. Thời Trần, ngoài Vua Trần Thái Tông còn có nhiều vị Vua, quan khác cũng góp phần quan trọng đối với sự phát triển của đạo Phật được lịch sử ghi nhận và tôn vinh.

Thời nhà Trần, xuất hiện phái Thiền Trúc lâm Yên Tử do Vua Trần Nhân Tông sáng lập. Nét nổi bật của Thiền Trúc lâm Yên Tử là tập hợp các dòng thiền như Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, do đó, Thiền Trúc Lâm Yên Tử được xem là phái thiền đặt thù riêng của Việt Nam, đọc theo tiếng Việt Nam, nhiều kinh sách viết bằng chữ Hán Tự, đặt nền móng cho việc thống nhất Phật giáo Việt Nam.

 Từ triều Lê Sơ thế kỷ XV trở đi, Phật giáo suy yếu dần do chế độ phong kiến Việt Nam lấy Nho giáo làm chỗ dựa tư tưởng chính trị và đạo đức. Tuy vậy, Phật giáo vẫn là gốc rễ sâu bền trong lòng dân tộc vì đã ăn sâu trên mười thế kỷ.

Thời Nam – Bắc phân tranh, chúa Trịnh Đàng ngoài, ra đời phái Thiền Tào Động. Chúa Nguyễn Đàng trong cũng thành lập phái Thiền Lâm Tế.

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi Vua, mở đầu triều nhà Nguyễn ở Việt Nam và lấy Nho giáo làm hệ tư tưởngchính thống.

  1. Phật giáo bị chèn ép tổn hại nặng nề trong hành pháp

Năm 1885, Pháp đặt ách thống trị Việt Nam, ưu đãi Thiên Chúa giáo phát triển mạnh và Phật giáo cũngkhông tránh khỏi chính sách kỳ thị. Nhiều chùa tháp ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội bị tịch thu hay triệt hạ làm nhà thờThiên Chúa giáo như Chùa Kim Chương, chùa Phật Lớn (Ông Phúc) bị dỡ vào năm 1865.

Chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1954 – 1963) dù đã thay ngôi đổi chủ nhưng chính sách tôn giáo do chính quyền Bảo Đại ký ban hành cũng không thay đổi vì có lợi cho chính họ nên dù là Phật giáo Nguyên thủy hay Phật giáo Bắc truyền cũng chịu chung số phận kỳ thị như nhau. Điển hình trên tất cả các lãnh vực như:

 “Ngày 21-10-1955, ông Nguyen Đon Duyen, Đại biểu Chính phủ tại Trung Việt, ra Nghị định số 3716/ND/ PC, cho phép Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam được phép thành lập[3]”. Ngày 14-5-1957, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1954 – 1963) cho phép “Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam hoạt động theo quy chế các hiệp hội Đạo dụ số 10 ký ngày 6-8-1950[4]”.

Dù với Đạo dụ số 10, không gì có thể làm thay đổi ý chí người vì Đạo pháp và Dân tộc, ngày 20-02-1957, Ban Chưởng Quản Giáo hội tạm thời nộp “…đơn xin phép thành lập một Hiệp Hội lấy tên là Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam”. “…Ngày 18-12-1957, Bộ Trưởng Nội vụ ông Vũ Tiến Huân thừa lệnh Tham Lý Nội An đóng dấu ký duyệt cho Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam hoạt động theo đạo dụ số 10 [5]”.

– Về tư tưởng – chính trị. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1954 – 1963) xuyên tạc Phật giáo Nguyên thủy:

Theo Phật giáo Nguyên thủy thì đức Phật không bàn đến nguồn gốc vũ trụ. Ông cho rằng vũ trụ biếnchuyển có có không không mà hồn vũ trụ là Brahman (Phạm Thiên) cũng bị lôi cuốn trong vòng biến chuyển ấy”.

Tư tưởng này của đức Phật Thích Ca, được phái tiểu thừa nhất loạt tuân theo. Nhưng vì thấy quan điểmnày quá hẹp hòi, phản tiến hóa nên đạo sĩ Ashvagosha mới lập ra phái Đại thừa[6]”.

… Trong khuôn khổ kế hoạch Miên vận, gần đây tôi đã hội ý cùng Bộ Nội Vụ để đi tới việc tổ chứcthống nhất Phật Giáo nguyên thủy, bằng cách thành lập giáo hội tại Sài Gòn, nhằm cắt đứt liên lạc giữasư sãi Việt gốc Miên với giáo hội Nam Vang… Theo dõi, kiểm soát mọi hành vi cũng như về chính trị củasư sãi người Việt gốc Miên. Thu hút các sư sãi Việt gốc Miên gia nhập Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam”[7].

– Về kinh tế – xã hội. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1954 – 1963) thành lập các “khu dinh điền”, “khutrù mật” nên cưỡng bức các tín đồ Phật giáo di dân.

Chính phủ đệ I Việt Nam Cộng hòa (1954 – 1963) âm mưu gây thiệt hại kinh tế các tín đồ Phật giáo. Điển hình ngày 28-8-1956, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1954 – 1963) tại Đà Nẵng kết án ông Vĩnh Cơ, Hộitrưởng Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam 10 năm khổ sai và sung công quỹ tài sản. Hoặc ngày 12-10-1961,Đại biểu Chánh phủ tại Trung Nguyên Trung Phần gởi công văn đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị khôngcho phép mở cuộc lạc quyên đối với Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam tại Đà Nẵng, Công văn viết:“Tòa tôi kính phúc trình quí Bộ rõ: Chiếu theo tờ trình của Nha Tổng Giám đốc Cảnh sát và Công an ViệtNam Cộng hòa, Tòa tôi tường quí Bộ không nên cho phép mở cuộc lạc quyên này[8].

– Về văn hóa – giáo dục, Chính quyền Ngô Đình Diệm ưu tiên Thiên Chúa giáo buộc các tín đồ khác nếu muốn học trong các trường công giáo phải cải đạo và không được từ chối.

Đối với Phật giáo, Chính phủ đệ I Việt Nam Cộng hòa (1954 – 1963)  tìm mọi cách gây trở ngại trong việchành lễ, viện lý do an ninh nhằm ngăn cấm. Các tổ chức Thiên Chúa giáo có cả chương trình trên đài phátthanh, thoải mái xuất bản Kinh sách, … Ngược lại, Phật giáo bị o ép đủ điều, không xuất bản được một tờ báocó tính quần chúng, Kinh sách bị kiểm duyệt gắt gao suốt gần 10 năm dưới chế độ Đệ I Việt Nam Cộng hòa (1954 – 1963).

Chính phủ đệ I Việt Nam Cộng hòa (1954 – 1963) kỳ thị Phật giáo miền Nam nói chung và Phật giáo Theravada tộc người Khmer và người Kinh rất rõ nét, hiển lộ trong các lĩnh vực tư tưởng – chính trị, kinh tế -xã hội và văn hóa – giáo dục như đã phác họa ở trên, tạo điều kiện tốt nhất về vật chất và tinh thần cho Giáohội Thiên Chúa giáo Việt Nam hoạt động nhằm mục đích “biến” Thiên Chúa giáo thành Quốc giáo ở miền Nam.

Ngày 1-11-1963, anh em Ngô Đình Diệm bị bắn chết (1954 – 1963). Cuộc vận động trong pháp nạn Phật giáo miền Nam Việt Nam chống chính sách bất bình đẳng tôn giáo kết thúc. Từ ngày 31-12-1963 đến ngày 4-1-1964, tại chùa Xá Lợi, các đại diện 11 đoàn thể Phật giáo cùng hai hệ phái Phật giáo Bắc tông, Phật giáo Nguyên thủy tộc người Kinh và Phật giáo Theravada tộc người Khmer, trong đó: 1. Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam: Thượng tọa Thích Pháp Tri; 2. Giáo hội Theravada tộc người Khmer: Lục cả Lâm Em; 3. Hội Phật giáo Nguyên thủy: cư sĩ Nguyễn Văn Hiểu; 4. Ðại diện Phật tử Theravada: cư sĩ Sơn Thái Nguyên họp thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và soạn thảo Hiến chương. Danh sách Viện Tăng Thống bao gồm: “…Phó Tăng Thống, Hòa thượng Tối Thắng; Trưởng Lão, Hòa thượng Lâm Em. Đề cử Phó thư ký Viện Tăng Thống gồm: Thượng tọa Giới Nghiêm; Thượng tọa Thạch Gông. Danh sách Viện Hóa Đạogồm: Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo: Tỳ khưu Pháp Tri. Ủy viên Tăng bộ Nam tông vụ, tổng vụ tăng sự: Tỳ khưu Kim Sang. Ủy viên truyền bá vụ, tổng vụ hoằng pháp: Tỳ khưu Hộ Giác. Ủy viên thiện tính Nam tông vụ, tổng vụ cư sĩ: Sơn Thái Nguyên[9]”.

  1. Những thay đổi thực hành pháp sau 1975 đến nay

Việt Nam sau khi hai miền Nam Bắc nối liền một dãy năm 1975, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và chư Tăng Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới có tính bước ngoặt của lịch sử Phật giáo Việt Nam trong tiến trình thời đại, toàn bộ chính sách của chính quyền mới về tôn giáo đối với Phật giáo hoàn toàn ngược lại với chính sách tôn giáo kỳ thị của các chính quyền trước đó như thời Nguyễn, Pháp thuộc, đệ Nhất, đệ Nhị Cộng hòa, điều này những thay đổi về hành pháp một cách thuận lợi cũng chuyển động theo.

Như vậy, chúng ta vừa khái lược qua quá trình Phật giáo du nhập tồn tại và phát triển đến nay với bao thăng trầm và biến đổi, ảnh hưởng nghiêm trọng và tổn hại trong việc thực hành tu hành bởi đạo Phật du nhập trong bối cảnh Việt Nam bấy giờ không còn là quốc gia độc lập tự chủ. Sự phụ thuộc về chính trị và kinh tế lẫn tôn giáo dù Phật giáo đã hình thành trước đó ở Luy Lâu hay các nhà truyền giáo Ấn Độ đã phải nhường bước các nhà sư Trung Hoa dẫn đến Phật giáo Nguyên thủy du nhập những năm đầu Tây lịch phải biến mất mai một do không có cơ hội phát triển và tất nhiên sự thay đổi các pháp môn tu tập khác biệt của Phật giáo Nguyên thủy Ấn Độ cũng không còn.

Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các thiền phái Trung Hoa được truyền qua bấy giờ như Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và từ đó thay đổi thực hành các pháp môn tu tập của đạo Phật ở Việt Nam bởi họ truyền bá đạo Phật không như truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, khất thực ăn ngày một bữa, đắp y hàng ngày và dùng ngôn ngữ Pali hay cùng lúc dùng ngôn ngữ Việt hoặc Khmer trong đọc tụng kinh tạng, thuyết pháp… Các thiền phái Trung Hoa ảnh hưởng sâu sắc nền văn hóa và phong tục tập quán, Nho giáo, dùng ngôn ngữ Hán Việt và đọc tụng phải gõ mỏ, chưa kể nấu chay tại chùa và ăn nhiều bữa trong ngày, thực hành các ngữ lục trước tác của các Tổ như kinh Lương Hoàng Sám, kinh Diệu Pháp Liên Hoa…

Sự thay đổi trong hành pháp bị tác động mạnh trong ảnh hưởng chính trị của các vương triều bởi từng triều đại chính sách về Phật giáo có sự khác biệt. Từ trước Tây lịch đến thế kỷ mười sau Tây lịch, Phật giáo Việt Nam có sự thay đổi đáng kể trong thực hành pháp, đó là sự vắng bóng của các nhà sư Phật giáo Nguyên thủy Ấn Độ, thay vào đó Phật giáo Trung Hoa ảnh hưởng sâu sắc hơn. Từ các triều đại Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ đều ủng hộ Phật giáo hết mực. Được Vua ban phẩm trật Khuông Việt Đại sư, Tăng thống, Tăng quan trong triều và giúp Vua giữ vững bờ cõi như triều Vua Lý Nam Đế 544, triều Lý-Trần. Đỉnh cao phát triển của Phật giáo Việt Nam, cắm sâu vào lòng dân tộc đó là đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo tham dự sâu vào triều chính, từ một Sadi trở thành vị Vua anh minh của dân tộc. Nhà Lý thành lập, 1010-1225, Lý Công Uẩn ủng hộ Phật giáo phát triển rực rỡ thành Quốc giáo đầu tiên trong lịch sử mà các triều đại trước và sau đó chưa làm được.

Triều Trần thể hiện đỉnh cao nhất mối quan hệ bền chặt giữa nhà nước với Phật giáo không thể tách rời và tương tác qua lại lẫn nhau, đồng thời thiền phái Trúc Lâm Yên Tử gắn bó chặt chẽ giữa Đạo và Đời của nhà Trần mà chưa có triều đại nào có thể làm xuất sắc hơn. Chiến tranh chống giặc ngoại xâm đã ảnh hưởng khá lớn đến pháp hành của chư Tăng triều Trần vì phải cùng cả nước chống xâm lược, một số cởi bỏ cà sa khoác chiến bào ra trận bảo vệ Tổ quốc như Trần Nhân Tông... Sự thay đổi thực hành pháp ảnh hưởng lớn nhất đó chính là sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong lịch sử Phật giáo, từ đó pháp hành cũng thay đổi theo đặc trưng của một thiền phái vừa thành lập.

Đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống, không muốn Phật giáo phát triển lấn át Nho giáo, coi nhẹ Nho giáo, chấm dứt hoàn toàn sự ảnh hưởng của Phật giáo trên cả nước đồng nghĩa pháp hành của Phật giáo cũng từ đó thay đổi theo.

Rất khó xác định chính xác nhiều hay ít sự ảnh hưởng thực hành pháp của Phật giáo bị tác động bởi chính sách này tại Huế nói riêng và cả nước nói chung.

Phật giáo Việt Nam càng đi vào thoái trào hơn khi phải đối mặt giặc ngoại xâm với tôn giáo mới, ngoại lai xâm nhập theo chân đội quân xâm lược. Phật Giáo Việt Nam trở thành một tôn giáo hạ đẳng, phụ thuộc, không có nghĩa lý gì vì chính sách ngược đãi tôn giáo của ngoại bang và tay sai. Phật giáo Nguyên thủy tộc người Kinh du nhập năm 1938 và Tỳ khưu Lâm Em tạo lập chùa Candaransi năm 1948 trong bối cảnh nước mất, nhà tan, Phật giáo thoái trào, thời gian du nhập 25 năm (1938-1963), 35 năm (1948-1963) đã phải vừa xây dựng vừa củng cố tổ chức, vừa tu vừa học, “chịu và thấm đòn” thách thức từ chính sách bất hợp lý tôn giáo của thực dân Pháp, Mỹ và tay sai. Đó là chưa kể “đòn” kỳ thị nặng nề, liên tục không ngừng nghỉ của hai nền cộng hòa Đệ I (1954-1963) và Đệ II (1964-1975) gây bao tổn thất về pháp hành và pháp học cùng cơ sở vật chất chùa tháp và chư Tăng, quần chúng tín đồ Phật tử bị hy sinh và thương tật trên toàn bộ hệ thống Phật giáo Việt Nam từ Huế đến Sài Gòn bấy giờ và cả các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Phật giáo Nguyên thủy du nhập lần thứ hai tạo ra sự khác biệt, đảo lộn hoàn toàn và phá vỡ sự độc tôn về pháp học, pháp hành một cách tự nhiên và thầm lặng, từ từ nhưng cũng hết sức mạng mẽ đi vào lòng người kể từ khi du nhập đối với Phật giáo Việt Nam. Dù Phật giáo Nguyên thủy tồn tại ở miền Nam Việt Nam hàng trăm năm trước đó nhưng cũng vẫn chưa đủ để tác động tư duy ăn sâu trong chư Tăng Phật giáo Bắc truyền nên chưa đủ lượng để thay đổi chất, phải đợi đến khi hai tổ chức Theravada được đề cập ở trên phát triển thì mới đủ chất thay đổi những điều tưởng chừng như khó thể làm được, không có gì thay đổi từ đã nhiều trăm năm. Phần nào đó do Phật giáo Nam tông Khmer miền Nam chưa ”nhập thế” sâu rộng, chỉ tập trung trong cộng đồng phum sóc nên lượng ảnh hưởng chưa đủ thì chất cũng chưa biến đổi. Đó là chưa đề cập đến tư duy sâu sắc, ăn sâu, khó thay đổi của các tầng lớp nhân dân do ảnh hưởng lâu đời đường lối tu học từ người truyền thừa theo ngã Phật giáo Trung Hoa. Từ 1938, 1948 trở đi, Phật giáo Việt Nam được bổ sung thêm một thực hành pháp Nguyên thủy mà trước đó trên 2.000 năm mai một, không hề biết hoặc nói đến hay thiếu sự tôn trọng, bị xem thường là tiểu thừa, cỗ xe nhỏ thấp kém. Đó là Phật giáo nguyên thủy tộc người Kinh do sơ Tổ Hộ Tông du nhập từ Campuchia (điển hình chùa Bửu Quang 171/10 QL 1A, P Bình Chiểu, TP. Thủ Đức, TP.HCM, VN) và Phật giáo Theravada tiêu biểu chùa Candaransi do Tỳ khưu Lâm Em tạo lập (hiện nay tại 164/235 Trần Quốc Thảo, P Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM, VN). Về pháp học theo hệ Nam truyền tam tạng Pali được lưu truyền tại Sri lan ca, Thái Lan, Myanmar… Về pháp hành họ thực hành thiền Định, thiền Tuệ, thiền Tứ Niệm Xứ (Vipassana), thiền hơi thở… không ăn chiều, ăn tam tịnh nhục, chay mặn không phân biệt, chư Tăng chỉ đắp y vàng hay màu măng cụt không mặc quần áo màu Lam hay Nâu sòng, tôn tượng chỉ thờ Phật Thích Ca.

Tóm lại, kể từ 1938, 1948, Phật giáo Việt Nam đã có sự thay đổi về tôn giáo và thực hành tôn giáo một cách toàn diện và sâu sắc tạo nên tính đa dạng, phong phú trong thực hành pháp mà trước đó chỉ có Phật giáo Bắc truyền độc tôn. Tuy vậy, trong từng giai đoạn lịch sử du nhập và bén rễ phát triển tại Việt Nam, đạo Phật có những khúc quanh thăng trầm thay đổi khác nhau, đó là do ảnh hưởng của thời cuộc, chính trị đương thời, tôn giáo bị chi phối nặng nề về chính trị xã hội nhất là giai đoạn 1.000 (179 trước Tây lịch-938 sau Tây lịch) năm ảnh hưởng Phật giáo Trung Hoa, thay đổi toàn diện về thực hành tôn giáo mà đạo Phật gốc Nguyên thủy không hề chủ trương như y áo, ẩm thực, tôn tượng, chùa tháp và sinh hoạt…

Kết luận

Những thay đổi về tôn giáo và thực hành tôn giáo của đạo Phật từ khi du nhập đến thế kỷ XXI mà chúng ta điểm qua chỉ là nét chấm phá, chỉ ra phần nào sự đóng góp trí tuệ và sức người bởi chư Tăng Phật giáo Nguyên thủy “nhập thế, đồng hành cùng dân tộc” trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh Tổ quốc các giai đoạn đồng thời khôi phục, ổn định các giá trị hành trì, đạo đức của Phật giáo bị xáo trộn do chiến tranh gây nên trong suốt quá trình du nhập, hội nhập và phát triển. Sự tổn hại về pháp hành mà Phật giáo phải gánh chịu vô cùng lớn, nhất là sự lụi tàn của Phật giáo Nguyên thủy Ấn Độ giai đoạn đầu, bỏ trống, dễ dàng cho các tông phái truyền bá, có nhiều cơ hội xâm nhập, và trở thành độc tôn cho đến khi Phật giáo Nguyên thủy lần hai du nhập mới đủ sức bén rễ cắm sâu vào lòng dân tộc dù phải đối mặt căng thẳng, gay gắt với Nho giáo hoặc sự kỳ thị của ngoại bang và tôn giáo ngoại lai. Sự du nhập lần hai đã tạo ra sự đa dạng, phong phú trong thực hành pháp cho bất kỳ ai, kể cả chư Tăng Bắc truyền tiếp cận giáo pháp mà xưa nay ai cũng cho rằng phải ăn chay, gõ mõ…mới gọi là tu, thực chất thực hành pháp trong giáo pháp Phật giáo Nguyên thủy gốc khác nhau hoàn toàn với bất kỳ tông phái nào dù mỗi tông phái đều có đặc trưng riêng nhưng vẫn hình thành và phát triển, được Tăng Ni và Phật tử hành trì, thọ dụng từ sơ khởi cho đến nay.

Điều ai cũng công nhận từ 1981 đến 2021, Phật giáo đã thành lập “ngôi nhà chung”: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các hệ phái yên bình, thanh tịnh hành trì giáo pháp Như Lai bởi Nhà nước Việt Nam tôn trọng và đảm bảo về pháp luật nên sự thay đổi lớn nhất ở Phật giáo Việt Nam đó chính là sự đoàn kết theo pháp lục hòa của chư Tăng cả nước một cách hoan hỷ, mỹ mãn, họ yên tâm với pháp tu của mình và hướng tới tốt đời đẹp Đạo trong xã hội bình yên.

Ths. Nguyễn Ngọc Hùng

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Văn Giàu (1974), Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến trước Cách mạng Tháng Tám, Tập I, Nxb KHXH, HN, tr.491.
  2. Thơ văn Lý-Trần, Tập 1, Nxb KHXH, HN, 1998, tr.
  3. Văn thư Nghị định số 3716/ND/ PC, cho phép Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam, Trung Phần, được phép thành lập Bản gốc tên ông Nguyen Đon Duyen không ghi dấu nên tác giả để nguyên, nguồn chùa Tam Bảo.
  4. Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam, Sài Gòn (1958), Điều lệ Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam, Sài Gòn.
  5. Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam, Sài Gòn (1958), Điều lệ Giáo Hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam (Theravāda), Sài Gòn, tr.1-2.
  6. Dương Thành Mậu (1960), Đường về nhân vị. Trung tâm Huấn luyện Nhân vị Vĩnh Long xuất bản, Sài Gòn.
  7. Trung Tâm Lưu Trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: Đệ I Cộng Hòa- 22430.
  8. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu: Đệ I CH-5843.
  9. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu: Phủ Thủ Tướng- 29367.
  10. Thiện Hậu (2017), Hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh Việt Nam (1938-1963).

[1] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập 1, Bản dịch của Ngô Đức Thụ (Hà Văn Tấn hiệu đính), Nxb KHXH, HN, 1998, tr.212.

[2] Thơ văn Lý-Trần, Tập 1, Nxb KHXH, HN, 1998, tr.24.

[3] Văn thư Nghị định số 3716/ND/ PC, cho phép Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam, Trung Phần, được phép thành lập 1955. Bản gốc (xem tài liệu cấp 1 đính kèm) tên ông Nguyen Đon Duyen không ghi dấu nên tác giả để nguyên, nguồn chùa Tam Bảo

[4] Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam, Sài Gòn (1958), Điều lệ Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam, Sài Gòn.

[5] Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam, Sài Gòn (1958), Điều lệ Giáo Hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam (Theravāda), Sài Gòn, tr.1-2.

[6] Dương Thành Mậu (1960), Đường về nhân vị. Trung tâm Huấn luyện Nhân vị Vĩnh Long xuất bản, Sài Gòn, tr. 46.

[7] Trung Tâm Lưu Trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: Đệ I Cộng Hòa- 22430

[8] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu: Đệ I CH-5843.

[9] Trung Tâm Lưu Trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: Phủ Thủ Tướng- 29367

Liên quan

Theo Dõi

0FansLike
0FollowersFollow
166SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

Bài mới