26.2 C
Ho Chi Minh City
Thứ ba, Tháng mười 8, 2024

Mối Liên Hệ Giữa Bồ Tát Thích Quảng Đức và Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam Trong Phong Trào Phật Giáo Miền Nam 1963

Phong trào Phật giáo miền Nam 1963 là một phần của lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc nói chung, lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng, trong đó vai trò của Phật giáo Nguyên thủy người Kinh và Khmer là không thể nghĩ bàn, bên cạnh đó, vai trò của Bồ Tát Thích Quảng Đức vô cùng to lớn, góp thêm ngọn lửa bất diệt thiêu rụi nền Đệ I Cộng hòa tay sai (1954-1963) mau chóng lụi tàn trong cuộc đấu tranh chống bất bình đẳng tôn giáo và giành độc lập dân tộc giai đoạn 1954-1963.

Mối Liên Hệ Giữa Bồ Tát Thích Quảng Đức và Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam Trong Phong Trào Phật Giáo Miền Nam 1963

ThS. Nguyễn Ngọc Hùng

Tóm tắt: Phong trào Phật giáo miền Nam 1963 đến nay đã trải qua 60 năm (2023) một chặng đường dài để lại cho chúng ta nhiều bài học và kinh nghiệm lịch sử quý báu. Phong trào Phật giáo miền Nam 1963 là một phần của lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc nói chung, lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng, trong đó vai trò của Phật giáo Nguyên thủy người Kinh và Khmer là không thể nghĩ bàn, bên cạnh đó, vai trò của Bồ Tát Thích Quảng Đức vô cùng to lớn, góp thêm ngọn lửa bất diệt thiêu rụi nền Đệ I Cộng hòa tay sai (1954-1963) mau chóng lụi tàn trong cuộc đấu tranh chống bất bình đẳng tôn giáo và giành độc lập dân tộc giai đoạn 1954-1963.

Từ khóa: Theravāda, Phật giáo Nam tông Kinh, Khmer, Phật giáo Nguyên thủy, Bồ Tát Thích Quảng Đức.

Mối Liên Hệ Giữa Bồ Tát Thích Quảng Đức và Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam Trong Phong Trào Phật Giáo Miền Nam 1963 - 347242160_6227591700681752_3962737709610674939_n.jpg (268623 KB)

Dẫn nhập

Phật giáo Việt Nam được du nhập từ thế kỷ thứ II sau Tây lịch, trải qua bao năm tháng biến đổi thăng trầm đến nay, Phật giáo Việt Nam luôn trung thành, hết lòng với quần chúng tín đồ, Phật tử, với các triều đại đương thời cùng gắn bó dù có sống chết cũng chẳng từ nan. Phật giáo Việt Nam luôn nhập thế xuất thế vì Đạo pháp và Dân tộc, sẵn sàng đồng hành cùng Dân tộc, trong tiến trình lịch sử từ khi du nhập đến nay cho ta thấy điều đó. Phật giáo Việt Nam giai đoạn 1954-1963 cũng không đứng ngoài quá trình ấy, đặc biệt Phật giáo Nguyên thủy tộc người Kinh dù còn “non trẻ” mới 25 năm du nhập (1938-1963) nhưng cũng đã tỏ rõ “bản lĩnh tay chèo, gian nan thử sức” đồng hành cùng Tổng hội Phật giáo tranh đấu chống chính sách bất bình đẳng tôn giáo đến thắng lợi và thành lập giáo hội thống nhất đầu 1964. Chúng tôi xin có chút cảm xúc về mối liên hệ mật thiết của các bậc tiền bối giữa hai truyền thống Phật giáo Nam tông và Bắc tông trong phong trào 1963.

  1. Bối cảnh lịch sử dẫn đến bùng nổ phong trào Phật giáo miền Nam 1963

Ngày 1-9-1858, Pháp nổ súng tại Sơn Trà, Đà Nẵng đánh dấu sự xâm lược Việt Nam, châm ngòi lò lửa chiến tranh vệ quốc của nhân dân Việt Nam, tạo ra sự mất mát đau thương cho Việt Nam kéo dài trên thế kỷ (1858-1975) chưa kể di chứng thương tích, tàn dư còn âm ỉ dài lâu, di truyền hết đời này sang đời khác chưa biết điểm dừng, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển nội lực của Việt Nam đến tận nay trong bối cảnh toàn cầu hóa vẫn còn chưa theo kịp nhịp phát triển của thế giới. Ngày 6-6-1884, triều đình nhà Nguyễn ký với Pháp Hiệp ước Pa tơ nốt đặt dấu chấm hết cho sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Việt Nam, từ đây nhà Nguyễn trở thành quốc gia nửa phong kiến nửa thuộc địa, lệ thuộc hoàn toàn vào thực dân Pháp.

Sự mất mát của nhân dân Việt Nam vô cùng lớn và không gì có thể cân đong đo đếm bởi trong suốt nhiều thế hệ thay vì sống yên bình hạnh phúc và cùng chung sự phát triển đất nước với bè bạn năm châu thì thay vào đó nhân dân Việt Nam phải gác niềm vui riêng, dốc toàn bộ vật chất và tinh thần cho các cuộc chiến tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của nước nhà bởi ngoại bang vì lòng tham ích kỷ của họ, gieo rắc và làm tổn hại bi thương lên đầu nhân dân Việt Nam trên 100 năm (1858-1975) nhằm phục vụ cho sự phát triển của Chủ nghĩa tư bản các nước phương Tây sau cuộc Cách mạng tư sản Hà Lan 1648 mở đường cho các cuộc cách mạng công nghiệp và thúc đẩy các nước tư bản phương Tây xâm lược thuộc địa, trong đó có Pháp. Sự cáo chung của chế độ phong kiến bởi các cuộc Cách mạng tư sản đã thúc đẩy Chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh ở các nước phương Tây làm cho tâm tham không đáy ngày càng mạnh lên dẫn đến sự xâm lược, giày xéo gót chân lê dương lên các nước Á, Phi, Mỹ La Tinh, trong đó, Việt Nam không thoát khỏi sự tàn bạo của những đội quân xâm lược ấy. Thế giới thêm một lần nữa đổi thay về sự bóc kinh tế tại chính quốc thì nay nó được thêm dấu cộng tại các nước Á Phi…cùng sự đàn áp về chính trị một cách tàn bạo và khốc liệt nhằm thỏa mãn tâm tham vô tận một cách tối ưu nhất có thể. Khái niệm hòa bình, an vui, hạnh phúc với các nước Á Phi từ nay chỉ còn là ước vọng trong sự cầu nguyện yên bình may mắn của tuyệt vọng bởi các nước ấy bị cuốn vào vòng xoáy mà các nước phương Tây áp đặt lên đầu các nước Á Phi dù muốn hay không. Đến đầu thế kỷ XX, các nước phương Tây đã hoàn thành công cuộc viễn chinh và đặt ách thống trị lên các nước ấy, vơ vét tài nguyên và đi kèm truyền bá tư tưởng ngoại lai được chuẩn bị ngay từ đầu, phi truyền thống xa lạ với người Việt Nam ngoại trừ những tay sai sùng tín mù quáng, vô minh tin theo bấy giờ.

Nền văn hóa Pháp đã ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận người Việt Nam kể từ khi họ có mặt ở Việt Nam, một tầng lớp tay sai ra đời cùng nền văn hóa ngoại lai ấy bám chặt Việt Nam cho đến khi Hiệp định Giơ ne vơ 1954 chia đôi hai miền Nam Bắc bởi vĩ tuyến 17 và tiếp tục hoành hành thêm vài chục năm nữa. Những tưởng hòa bình đến với Việt Nam sau bao năm dài đấu tranh giành độc lập, nhưng không, Pháp đi Mỹ đến, dựng lên triều đại con chiên dễ sai bảo anh em nhà họ Ngô: Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Thục từ 1954, một lần nữa gieo rắc cái tâm bất thiện, gây mất mát đau thương cho đồng bào miền Nam thêm 9 năm (1954-1963) nói riêng, cả nước 21 năm (1954-1975) thống nhất hai miền nói chung mà tư tưởng tự do kiểu Mỹ ảnh hưởng vô cùng lớn ở Việt Nam. Niềm tin thống nhất hai miền Nam Bắc của quân dân Việt Nam sau hai năm tổng tuyển cử 1956 đã bị các nước lớn khép lại bởi sự toan tính ích kỷ, hận thù và tâm tham thôn tính từ trước khi hội nghị Giơ ne vơ 1954 bắt đầu. Hai hệ tư tưởng đối đầu hình thành từ sau chiến tranh thế giới hai (1939-1945) do hai siêu cường thế giới chi phối, hình thành hai khối kình chống nhau: Chủ nghĩa tư bản phương Tây do Mỹ đứng đầu, khối Xã hội chủ nghĩa do Liên Xô cầm đầu. Từ nay, thế giới ngoài chiến tranh nóng còn có cả chiến tranh lạnh và cuộc chiến ý thức hệ giữa hai phe kình địch cuốn hút vào vòng xoáy của tham sân si buộc các nước khác toàn cầu chọn phe dù muốn hay không nhằm bảo toàn lực lượng, độc lập dân tộc và phát triển đất nước. Vì lẽ đó, Việt Nam không thể nằm ngoài sự chi phối của hai hệ tư tưởng ấy buộc phải chọn lựa và không có con đường nào khác như những gì lịch sử đã diễn ra. Sự toan tính của các nước lớn đã đẩy Việt Nam vào lò lửa chiến tranh hai miền Nam Bắc như thời Trịnh Nguyễn phân tranh nhưng thực chất là cuộc đấu tranh của hai hệ tư tưởng của hai khối siêu cường, là nơi thử vũ khí của các nước lớn, là vùng đệm ngăn chặng sự phát triển ý thức hệ của phương Tây đối với Đông Nam Á. Thế giới đã thay đổi lần nữa sau 1945 và Việt Nam hiển lộ rõ hơn sau 1954, tính chất và bản chất của công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của quân và dân Việt Nam thay đổi hoàn toàn, hai miền Nam Bắc hai chế độ chính trị, hai hệ tư tưởng đối lập nhau. Từ 1954, Mỹ dựng lên chế độ tay sai ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản, một gia đình tín đồ cực đoan sùng tín công giáo ngoan đạo Ngô Đình Diệm được Mỹ chọn. Từ thời gian này, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân miền Nam và cả miền Bắc đảo lộn, thay đổi hoàn toàn, khác biệt khá xa so với thời văn hóa Pháp thuộc. Với sự ảnh hưởng đậm nét của văn hóa Mỹ, tự do kiểu Mỹ, miền Nam phụ thuộc sâu vào tư tưởng thân phương Tây mà chính xác là Hoa Kỳ và các con chiên tăng chóng mặt sau cuộc đại di cư khổng lồ từ miền Bắc vào sau chia cắt hai miền “… gần một triệu người đã quyết định rời vùng đất phía trên vĩ tuyến 17, trên thực tế là quay lưng lại với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Việt Nam DCCH) của Hồ Chí Minh. Thay vào đó, họ tìm chốn nương thân tại lãnh thổ vốn đã nhanh chóng trở thành Việt Nam Cộng hòa (Việt Nam CH), một chế độ do vị lãnh đạo theo Công giáo Ngô Đình Diệm đứng đầu…”[1]

Bản thân và dòng dõi gia đình là con chiên ngoan đạo nên sau khi nắm quyền sinh sát trong tay dòng họ Ngô Đình đã có sự thiên vị về tôn giáo một cách cực đoan gây ra thảm cảnh với bao gia đình và đảo lộn toàn bộ đời sống nhân dân từ Huế trở vào Nam sau đỉnh điểm giọt nước tràn ly công điện 9195 cấm treo cờ Phật giáo tại Huế ngày 7-5-1963, làm bùng phát ngọn lửa đấu tranh tôn giáo mà chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1954-1963) thổi lên tạo nên sự bất ổn, bất an về tôn giáo mà cụ thể là Phật giáo bấy giờ. Trong lịch sử từ khi các Vua Hùng dựng nước đến nay, Việt Nam chưa từng có mâu thuẫn tôn giáo mạnh mẽ, sâu sắc và tranh đấu tôn giáo mang màu sắc chính trị như giai đoạn này (1954-1963) bởi anh em nhà Ngô lấy lòng tham tôn giáo làm chỗ dựa quyền lực chính trị thăng tiến, từ trước đó chưa hề có tiền lệ tham sân si bám rễ một chức sắc tôn giáo, chưa từng tồn tại ít ra là đối với một chế độ cầm quyền của một tay sai, với sự nhen nhóm từ trong lòng trước đó, dòng họ Ngô Đình đã đưa miền Nam thành một chế độ cực đoan đặc sệt tôn giáo, chi phối toàn bộ bộ máy thống trị từ Trung ương đến cơ sở. Toàn bộ mọi hoạt động từ kinh tế, chính trị xã hội, văn hóa giáo dục, tư tưởng… đều bị chi phối nặng nề bởi tôn giáo, lấy tôn giáo làm điều kiện sinh tồn và khai tử khi không cùng tôn giáo, bất cứ ai tham gia bộ máy thống trị đều phải là thành viên của Đảng Cần Lao-Nhân Vị và ngược lại. Phải là con chiên ngoan biết nghe lời dù sai quấy, không cần biết điều hay lẽ phải bởi cộng đồng Công giáo Vatican II (1962-1965) chỉ muốn mình độc tôn, không chấp nhận Phật giáo hay tôn giáo nào khác. Các linh mục thừa sai nước ngoài coi tín ngưỡng bản địa Việt Nam, Phật giáo và các tôn giáo khác là đạo ma quỷ, tà đạo, điều trớ trêu ngay từ khi các thừa sai từ thuở đầu tiên truyền giáo, nhà Nguyễn cũng coi chính họ là tà đạo. Anh em nhà Ngô muốn biến đảng Cần Lao thành đảng của “chính quyền Công giáo”, từ đó cản trở tự do tôn giáo. Đây là nguyên nhân đầu tiên vô cùng quan trọng và là tử huyệt đưa chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ khi kỳ thị tôn giáo và đàn áp Phật giáo bùng phát. Lịch sử Việt Nam lại một lần nữa bị tôn giáo ngoại lai khuấy động sau khi Pháp rút đi để lại cho Mỹ di sản văn hóa tôn giáo kế thừa buộc những người con Phật vốn tâm từ bi hỷ xả cũng không thể nào ngồi yên, phải vượt cửa thiền làm chính sự bảo vệ chính mình và văn hóa dân tộc hàng ngàn năm.

Lịch sử Việt Nam vốn hiền hòa thân thiện, giờ đây bất lực phải chịu cuốn vào vòng xoáy của các nước tư bản về kinh tế và chính trị với ý thức hệ và văn hóa tôn giáo xa lạ. Một cuộc tranh đấu đòi công bằng và kì thị, đàn áp giữa hai nền văn hóa tôn giáo khác nhau và càng đau hơn nữa khi những tay sai được đào tạo cực đoan lại chính là người Việt vốn tổ tiên của họ chắc chắn đi theo đạo Phật từ khi họ còn là cát bụi, là bào thai, đất, nước, gió, lửa nhưng giờ đây họ lại đem chính cái tôn giáo ấy chống lại tổ tiên họ.

Không có thực dân Pháp đem tôn giáo La Mã vào Việt Nam và Mỹ kế thừa di sản kỳ thị từ tay Pháp và dựng lên con bài chính trị cực đoan trên bàn cờ chính trị thì chắc rằng sẽ không kích động, đánh thức, khơi dậy lòng yêu nước và bảo vệ văn hóa dân tộc của những người con đầu tròn áo vuông vốn chỉ quen kinh kệ nhưng một khi lực lượng này bị tổn thương thì chỉ còn nước… xin lỗi mà thôi. Trong lịch sử thế kỷ XIII, ngay cả vua Trần dù đã lên núi Yên Tử tu hành vậy mà còn phải cởi áo Cà Sa ra trận cùng các môn đồ đem bình yên cho trăm họ, một lực lượng hùng mạnh chỉ đứng sau quân đội và cái kết như lịch sử đã ghi nhận. Không có cuộc chiến của ý thức hệ thì chắc chắn con bài chính trị ấy sẽ không có và lịch sử Phật giáo Việt Nam sẽ không mất mát và phải chịu tổn thất hy sinh đáng tiếc từ những ngọn đuốc sống tự thiêu mà tiêu biểu vang động đất trời ấy chính là Hòa thượng Thích Quảng Đức. Chắc rằng sẽ không có Phong trào Phật giáo 1963 chống lại chính sách bất bình đẳng tôn giáo ấy từ Huế trở vào Nam. Chắc rằng sẽ không có quần chúng tín, đồ…cùng 13 đoàn thể Phật giáo hợp lực chống sự đàn áp của những kẻ ích kỷ, tham sân si cực đoan ấy. Đây chính là mối liên hệ đoàn kết sắc son, chung một chiến hào, vai kề vai giữa Phật giáo Nguyên thủy tộc người Kinh và cả Khmer với Hòa thượng Thích Quảng Đức của hai truyền thống Phật giáo: Nam tông và Bắc tông, dù không hẹn trước nhưng cùng chống lại chính sách bất bình đẳng tôn giáo mà từ xưa nay chưa có mối liên hệ nào keo sơn sâu sắc như vậy!

Chính lòng tham sân si của những kẻ ngoại đạo ấy đã thách thức mối liên hệ đoàn kết của các đoàn thể Phật giáo cả nước, vô tình tạo tạo ra sự gắn bó mật thiết giữa những người con Phật với nhau mà trước đó chưa hề quen biết và không cùng truyền thống tu học, thậm chí hình thành cả một tổ chức Ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo trên nền có sẵn tập hợp lực lượng của Ủy Ban Liên Phái Tổ Chức LễKhánh Thành Thích Ca Phật Đài tại núi Lớn Vũng Tàu trước đó mà Phật giáo Nguyên thủy tộc người Kinh nghĩ ra và thực hiện ngày 10-3-1963. Mối liên hệ chặt chẽ giữa hai truyền thống Phật giáo Nam tông và Bắc tông luôn đồng hành có nhau đó là tại Tổ đình Phật Bửu, Cao Thắng, Sài Gòn, ngày 11-6-1963, các Tỳ khưu Pháp Tri, Tỳ khưu Tối Thắng và Tỳ khưu Dũng Chí đến dự lễ cầu nguyện cung tiễn Hòa thượng Thích Quảng Đức đến ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu-Cách Mạng Tháng Tám (ngày nay) tự thiêu, hợp sức phản đối chính sách tôn giáo bất bình đẳng của chính phủ Việt Nam Cộng hòa (1954-1963).  

Công điện 9195 cấm treo cờ Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1954-1963) chính là mồi lửa làm bùng cháy ngọn đuốc sống Hòa thượng Thích Quảng Đức và cũng là cái Quả của ngọn lửa đốt cháy chính quyền ấy sau 9 năm gieo rắc cái mầm hiện thân của Tham Sân Si, gieo cái Nhân ác của quỷ “Sa Tăng” tàn bạo đội lốt người. Nhân nào quả ấy thôi, cái giá của cực đoan phải trả đã đành nhưng nó kéo theo bao nhiêu hệ lụy và cái oan khuất vô tình bởi số người bị ảnh hưởng quá lớn, cả một một xã hội từ Huế trở vào Nam bị khuấy động từ vật chất đến tinh thần trong suốt 9 năm cầm quyền.

Công điện 9195 là phát pháo tuyên chiến của ý thức hệ và ứng xử của văn hóa tôn giáo, lấy lòng Tham làm thước đo quyền lực và lấy cái Sân kèm công cụ cảnh sát và quân đội để giải quyết đồng bào mình bằng bạo lực, bất chấp tín ngưỡng ngàn năm trong đó có tổ tiên của họ. Làm bùng nổ phong trào đấu tranh chống chính sách bất bình đẳng tôn giáo được gieo mầm từ thời Pháp thuộc và nay nảy nở thời Mỹ quốc. Nhiều cuộc đấu tranh mở màn và chư Tăng Phật giáo Theravāda Việt Nam tộc người Kinh tham gia ngay từ đầu một cách nhiệt tình, thể hiện tình đoàn kết sắc son với 12 đoàn thể Phật giáo khác, kề vai sát cánh chung một chiến hào là vậy, đúng với tinh thần của Đảng cộng sản Việt Nam bấy giờ: tất cả người dân đều là người lính. Đây là một lực lượng binh lính đặc biệt, tay không tất sắt, nói chi đến súng ống, đầu tròn áo vuông với gương mặt hiền lành, từ bi hỷ xả, miệng chỉ ê a cầu kinh niệm Phật, nguyện cầu quốc thái dân an, mong cho dân tình bớt khổ đau và giải thoát khỏi cõi Ta Ba.

Các cuộc đấu tranh nối tiếp không ngừng cho đến khi cao tăng ra tay hành xử quyết liệt châm thêm ngọn lửa bất diệt, gây vang động toàn cầu đặt dấu chấm hết cho kẻ tự nguyện làm nô lệ lưỡi gươm và thập tự chinh…

  1. Các cuộc đấu tranh và vai trò, ý nghĩa lịch sử cùng bài học kinh nghiệm

Cụ thể ta có thể liệt kê tóm tắt những cuộc đấu tranh khốc liệt thể hiện sự đoàn kết keo sơn và mối liên hệ chặt chẽ giữa hai truyền thống Nam tông và Bắc tông cũng như các đoàn thể Phật giáo khác đối với sự mất mát và hy sinh vô cùng lớn của chư Tăng Ni và quần chúng nhân dân, tín đồ, Phật tử sau ngày bùng phát Pháp nạn ấy: ngày 10-5-1963, tại chùa Từ Đàm, Huế, chư Tăng Phật Giáo truyền thống Nam tông và Lục Cả Lâm Em đến dự lễ mít tinh công bố năm nguyện vọng và bản tuyên ngôn của Tổng hội Phật Giáo[2].

Ngày 15-5-1963, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã hội kiến đại diện Tổng hội Phật giáo và thường trực Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, Tỳ Khưu Dũng Chí (TS Thái Văn Chải) cùng sư cả Lâm Em và trao tận tay nguyện vọng của Phật Giáo cùng bản tuyên ngôn[3].

Ngày 16-5-1963, Thượng tọa Bửu Chơn họp báo tại chùa Xá Lợi (Sài Gòn), thông báo cho quần chúng tín đồ Phật tử biết chính quyền họ Ngô từ chối hợp tác.[4]

Ngày 25-5-1963, lễ công bố bản Tuyên Ngôn thệ nguyện đấu tranh và ủng hộ 5 nguyện vọng của Phật giáo Việt Nam tại chùa Xá Lợi.[5] Trong bản Tuyên Ngôn thệ nguyện có chữ ký của Tổng thư ký, Tỳ khưu Pháp Tri, ký thay Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam; Hội trưởng, HộiPhật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hiểu.[6]

Ngày 30-5-1963, Tỳ Khưu Tối Thắng và bốn mươi Tỳ Khưu từ chùa Tăng Quang (Huế) vào Chùa Xá Lợi (Sài Gòn) tuyệt thực “bất bạo động” cùng 400 Tăng Ni đấu tranh ủng hộ đường lối của Tổng hội Phật giáo.[7]

Ngày 30-5-1963, sư Pháp Nhẫn, sư Giới Hỷ, sư Tâm Hỷ… Phật Giáo Theravāda Nguyên thủy người Kinh tham gia tại chùa Tam Bảo, Đà Nẵng, ủng hộ Tổng hội Phật giáo Việt Nam đấu tranh.

Ngày 4-6-1963, tại chùa Xá Lợi, hội nghị đại biểu đại diện mười ba đoàn thể Phật giáo tuyên bốđổi tên Ủy Ban Tổ Chức Lễ Khánh Thành Thích Ca Phật Đài thành “Ủy Ban Liên Phái Bảo VệPhật giáo”. Ban Lãnh đạo gồm: Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Thượng tọa Thích Tâm Châu, Tỳkhưu Bửu Chơn, Phó chủ tịch Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật giáo,[8] và Tỳ khưu Pháp Tri, Tỳkhưu Hộ Giác.

Ngày hôm sau 5-6-1963, “Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật giáo”, gồm mười ba đoàn thểPhật giáo được Thượng tọa Thích Tâm Châu ra Thông cáo thành lập:

               “1. Tổng hội Phật giáo Việt Nam; 2.Giáo hội Thiền Tịnh Đạo tràng; 3.Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam; 4.Giáo hội Theravāda (người Việt gốc Khmer); 5.Giáo hội Tăng già toàn quốc Việt Nam; 6.Giáo hội Tăng già Nam Việt; 7.Giáo hội Tăng già Bắc Việt, tại miền Nam; 8.Ni chúng bộ Nam Việt; 9.Hội Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam; 10.Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt, tại miền Nam;11.Hội Phật học Nam Việt; 12.Đoàn thể Phật tử Theravda (người Việt gốc Khmer); 13.Hội Quan Âm Phổ Tế.[9]

Ngày 11-6-1963,  Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ngã tư đường Phan Đình Phùng-Lê Văn Duyệt[10] nhằm bảo vệ Phật pháp. Ngọn lửa ngàn độ có tác dụng “thúc đẩy cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước tiến mạnh, tiến nhanh hơn. Trên thực tế, ngọn lửa Thích Quảng Đức đã chuyển phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 sang một thế mới, trên cả hai bình diện quốc nội và quốc tế”[11]

Bản Thông Cáo chung được ký kết lúc 2 giờ sáng ngày 16-6-1963, giữa các đại diện chính quyền Đệ  nhất Cộng hòa (1954 – 1963) và Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo, trong  đó Tăng Thống, Tỳkhưu Bửu Chơn và Ông Nguyễn Văn Hiểu, đã cùng ký tên [12]

Gần tháng sau, chính phủ Việt Nam Cộng hòa (1954 – 1963) chưa triển khai Thông cáo chung và nguyện vọng của Phật giáo nên Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo gửi văn bản ngày 12-7-1963, yêu cầu chính phủ Việt Nam Cộng hòa (1954 – 1963) thực hiện, ký tên trong văn bản đó có Tỳ Khưu Tăng Thống Bửu Chơn, và Ông Hội Trưởng Nguyễn Văn Hiểu.[13] Một ngày sau 16-7-1963, Tỳ Khưu Bửu Phương cùng Tăng Ni, Phật tử, quần chúng, tín đồ biểu tình trước tư dinh đại sứ Mỹ Nolthing yêu cầu thực hiện thông cáo chung.

Sáng 17-7-1963, Tỳ Khưu Bửu Phương cùng Tăng Ni, quần chúng, tín đồ Phật tử, biểu tình, diễn thuyết trước chợ Bến Thành, “Yêu cầu chính phủ thực thi bản thông cáo chung”[14].

Từ ngày 18-8-1963 đến ngày 21-8-1963, tại chùa Xá Lợi, Tỳ Khưu Bửu Phương tay cầm giáo kỳ dẫn đầu đoàn làm lễ trong bổn tự cầu siêu những Phật tử tử nạn trên toàn miền Nam. Cùng ngày 18-8-1963, tại Đà Nẵng, chùa Tam Bảo (323 Phan Châu Trinh) và ba cấp trị sự Phật giáo Đà Nẵng cầu siêu cho những Phật tử và diễu hành từ chùa Tỉnh hội đến đường Hoàng Diệu, Chu Văn An, Phan Châu Trinh và quay lại chùa Tam Bảo…[15]    

Ngày 20-8-1963, chính quyền Đệ  nhất Cộng hòa (1954 – 1963) triển khai kế hoạch nước lũ trên toàn miền Nam, toàn bộ các chùa tháp đều có quân đội, cảnh sát bao vây bắt tất cả giới lãnh đạo, trong đó, Tỳ khưu Bửu Chơn, Tỳ khưu Pháp Tri, Tỳ khưu Dũng Chí, Tỳ khưu Bửu Phương, Tỳ khưu Hộ Giác,Sư Chung, Tỳ khưu Giới Nghiêm, sư Giới Hỷ, sư Tâm Hỷ…đều bị bắt[16].

Ngày 1-11-1963, anh em dòng họ Ngô Đình bị quân đội bắn chết trong xe bọc thép ngay sau đó, không cần ra tòa án xét xử. Pháp nạn Phật giáo miền Nam Việt Nam chống chính sách bất bình đẳngtôn giáo sau 9 năm (1954 – 1963) gieo rắc cái bất thiện của lòng tham và sân si từ những kẻ cực đoan được kết thúc chỉ bằng hai phát đạn chưa đầy hai giây.

Từ ngày 31-12-1963 đến ngày 15-1-1964, tại chùa Xá Lợi, hai truyền thống Bắc tông, Nam tông (có đại diện 11 đoàn thể Phật giáo khác cùng họp) thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Đại hội suy tôn Tăng Thống là Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Phó Tăng Thống.[17]  Hòa thượng TốiThắng, Đề cử Thượng tọa Giới Nghiêm, Phó thư ký, Chánh thư ký Viện Tăng Thống do Hòa thượng Trí Quangđảm nhiệm. Viện trưởng Viện Hóa Đạo do Hòa thượng Thích Tâm Châu phụ trách và Phó Viện trưởng, Tỳkhưu Pháp Tri. Ủy viên truyền bá vụ, tổng vụ hoằng pháp do Tỳ khưu Hộ Giác đảm trách.

Ngày 4-1-1964, công bố Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất gồm hai thành viên Namtông và Bắc tông.[18]

Phong trào Phật giáo 1963 đến nay 2023 vẫn còn nguyên ý nghĩa cũng như vai trò không thể thiếu của những người con Phật trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khiến chúng ta không khỏi băn khoăn suy nghĩ về bài học lịch sử nhằm rút ra kinh nghiệm trong việc giữ và dựng nước, xây và chống trong bối cảnh hiện nay.a. Về vai trò

Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần…thịnh hay suy đều có bàn tay Phật giáo cùng tham gia, bởi thế trong các triều đại ấy đều có các chức Tăng quan trong triều bên cạnh các chức quan khác cùng lo việc dân việc nước nhưng khi đất nước yên bình họ không màn vinh hoa phú quý chốn quan trường, tự lui về thiền môn thanh tịnh tiếp tục tu hành giải thoát. Cực chẳng đã chư Tăng buộc phải cởi Cà Sa lên đường xông pha trận mạc lòng nào có sung sướng gì vì cái khổ của chúng sanh, khi Tổ quốc cần họ đều nhanh chóng có mặt. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, chư Tăng là lực lượng không thể thiếu trong quá trình giữ và dựng nước một cách trung thành nhất, vai trò của Nho giáo chỉ là thứ yếu. Tiêu biểu như triều Đinh và Tiền Lê có Khuôn Việt Đại Sư và Thiền sư Đỗ Pháp Thuận phò tá. Sang triều Lý, Thiền sư Vạn Hạnh chính là người đưa Lý Công Uẩn lên ngai vàng và cùng với triều Trần nối tiếp đã mở ra thời kỳ rực rỡ nhất của Phật giáo đến nay chưa triều đại nào làm được.

Các triều đại trong lịch sử có thịnh có suy và tôn giáo chịu ảnh hưởng của chính trị bởi tác động các chính sách do chính triều đại ấy đề ra. Triều Nguyễn ảnh hưởng nặng Nho giáo và Phật giáo đã không còn vai trò gì như các triều Lý Trần nữa và cả Nho giáo lẫn Phật giáo càng bị xem thường khi Pháp xâm lược và xâm lăng văn hóa tôn giáo ngoại lai từ phương Tây.

Vai trò của Phật giáo ở Việt Nam khi thực dân Pháp thống trị đã trở thành tà đạo dưới cách nhìn của văn hóa ngoại lai và trở thành những hội đoàn nhỏ không có vai trò gì trong xã hội khi vua Bảo Đại ký Đạo dụ số 10 ngày 6-8-1950.

Đó là ánh mắt và cái nhìn vô minh lầm mê lạc lối của kẻ xâm lăng và những tay sai cuồng vọng, trong tâm thức của người Việt Nam dù trong hoàn cảnh nào, họ vẫn cho rằng đạo Phật là đạo Từ Bi Trí Tuệ, giải thoát chúng sanh ra khỏi bờ mê, thoát khỏi luân hồi sinh tử. Bởi thế cho nên, dù là công chức thú y của thực dân, Bác sĩ Lê Văn Giảng và người bạn Giám đốc hỏa xa miền Nam Nguyễn Văn Hiểu đã du nhập Phật giáo Nguyên thủy năm 1938 từ quốc gia láng giềng Campuchia về Việt Nam tu học, kiến tạo chùa Bửu Quang (nay 171/10 Quốc lộ 1A, Phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức, TP. HCM, VN) từng bước giải thoát bản thân khỏi Hồng Trần vô minh vốn luôn muốn chiếm đoạt và lừa gạt, giết hại lẫn nhau. Từ khi đó, Phật giáo Nguyên thủy từng bước phát triển cho đến khi đủ tiềm lực vật chất tinh thần, các tự viện tạo dựng trải dài từ Huế vào Nam, tham gia đồng hành cùng dân tộc cùng với Phật giáo Bắc truyền chống chính sách bất bình đẳng tôn giáo 1963 của chính quyền Đệ  I Cộng hòa (1954 –1963).

Phật giáo Theravāda Việt Nam  cùng Tổng hội Phật giáo Việt Nam và các giáo hội Hệ pháiPhật giáo khác thành lập Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật giáo. HT Bửu Chơn tham gia Ban Chứngminh; HT. Giới Nghiêm làm Phó Chủ tịch; TT. Hộ Giác, TT. Bửu Phương, TT. Nhật Thiện tham gia Ban Đối ngoại và phát ngôn. Tỳ khưu Pháp Tri sang Campuchia vận động Chính phủ, nhân dân vàPhật giáo Campuchia ủng hộ phong trào tranh đấu đòi tự do tín ngưỡng của Tăng, Ni Phật tử Phật giáo Việt Nam[19]” Hòa thượng Tiến sĩ Thích Thiện Nhơn viết trong tác phẩm: Phật giáo nguyên thủytừ truyền thống đến hiện đại, trang 784 đã nhận xét như thế.

Từ 1963, Phật giáo Nguyên thủy tộc người Kinh, Khmer nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung đã thể hiện vai trò trách nhiệm, không thể thiếu trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc góp phần thúc đẩy nhanh thắng lợi trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất hai miền Nam Bắc. Đặc biệt, Phật giáo Nguyên thủy đã khéo léo tập hợp 12 đoàn thể Phật giáo đứng cùng chung hàng ngũ trong lễ tổ chức khánh thành ngôi tự viện Thích Ca Phật Đài tại Vũng Tàu, ngầm gắn với đấu tranh chính trị mang tầm có tổ chức hình thức và quy mô về nội dung, chính nhân sự trong lễ tổ chức khánh thành sau đó đã trở thành thành viên Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo lãnh đạo phong trào 1963 đi đến thắng lợi.

Pháp nạn năm 1963, Phật giáo Nam tôn Việt Nam đóng góp rất tích cực cho Đạo pháp[20]. Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Thượng tọa Thích Thiện Hoa, khi nhận xét vai trò của Phật giáo Nguyên thủy tộc người Kinh như thế. Trong quá trình tranh đấu đòi bình đẳng tôn giáo ấy, bên trên chúng tôi có minh chứng tiêu biểu vai trò năng động, nhiệt tình của hai truyền thống Phật giáo Nam tông, Bắc tông nên ở đây không nhắc lại.

Từ chỗ bị kì thị, xem thường Phật giáo Việt Nam đã thể hiện vai trò “bản lĩnh” trong Pháp nạn1963, đúng là “vàng thủ lửa, gian nan thử sức, qua cơn sóng mới rõ bản lĩnh tay chèo”. Nhà Ngô sụp đổ vì chính sách đi ngược quyền lợi dân tộc, phỉ báng tín ngưỡng tôn giáo bậc thánh bởi vô minh cuồng vọng, đẩy nhân dân vào cảnh lầm than khốn khổ với các chính sách trong chín năm cầm quyền. Đó là cái Nhân và cái Quả, là cái chết được báo trước và những người con Phật thấm nhuần giáo pháp Thích Ca đều biết, sợ hãi và cầu nguyện cho những con người vô minh ấy.

Phong trào Phật giáo 1963 là phong trào nhập thế mạnh mẽ nhất, sâu rộng nhất kể từ 1938 Phật giáo Nguyên thủy tộc người Kinh du nhập Sài Gòn. Sự nhập thế, hòa vào đời sống bản địa người Việt vì bình đẳng tự do tôn giáo và công bằng xã hội. Phật giáo Việt Nam nhập thế trong các giai đoạn lịch sử khác nhau tất nhiên khác nhau bởi văn hóa, tôn giáo có vai trò quyết định trong các giai đoạn lịch sử của một tộc người, một hệ phái trong khoảng thời gian nhất định góp phần tạo nên tính phong phú, đa dạng về văn hóa tôn giáo của một tộc người, một đoàn thể Phật giáo nào đó, trong đó, Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo Nguyên thủy nói riêng là một bộ phận, một nhân tố hợp thành.

Phong trào Phật giáo 1963 là bộ phận, một phần không thể thiếu của cục diện chính trị đối đầu giữa các lực lượng miền Nam bấy giờ, họ đấu tranh bằng những mũi giáp công khác nhau với mũi tiến công của lực lượng khác cùng lúc. Phật giáo không thể và khác với giai cấp công nông, đi đầu phất cao ngọn cờ dân tộc dân chủ, lãnh đạo cả nước chống đế quốc và chống thực dân mới, nhưng chắc chắn Phật giáo là một lực lượng hùng mạnh chỉ sau quân đội dù trong tay không tất sắt. Một mũi tiến công bất bạo động, “tiến nhưng lại không động”, một cánh quân “đầu tròn áo vuông” trên mặt trận văn hóa tư tưởng dùng ngòi bút thâm thúy góp phần thuận lợi cho phong trào giải phóng dân tộc thống nhất hai miền Nam Bắc Tổ quốc. 

Như vậy, Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam tộc người Kinh là thành viên tích cực bên cạnh Phật giáo Bắc truyền năng động trong phong trào Phật giáo năm 1963, “…ta có thể đưa ra khẳng định rằng Phật giáo đã làm tốt và trọn vẹn phận sự đối với tổ quốc và dân tộc…”[21]. Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam đã minh chứng vai trò luôn đồng hành cùng dân tộc góp phần quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân ta, bảo vệ Tổ quốc và cùng với các hệ phái Phật giáo khác xâydựng Phật giáo Việt Nam tốt đời đẹp Đạo.

Những vai trò tích cực của hai truyền thống Phật giáo Nam tông, Bắc tông là không thểnghĩ bàn và phủ nhận. Hai truyền thống Phật giáo Nam tông, Bắc tông là lực lượng “tinh nhuệ, hùng mạnh” có vai trò thiết thực, kịp thời trong chăm lo đời sống tâm linh cho quần chúng tín đồ, Phật tử, bảo vệ tự do tôn giáo và Đạo pháp. Tổng Hội Phật giáo Việt Nam cùng Phật giáo Nguyên thủy tộc người Kinh thực hiện điều dường như không ai có thể nghĩ ra ở bất kỳ đâu,triều đại tay sai phải thay ngựa giữa dòng, góp phần trong phong trào yêu nước giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà. Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam thể hiện vai trò thống nhất các đoàn thểtrong Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật giáo đối với Phật giáo Việt Nam trong lịch sử là một vấn đềkhông thể nghĩ bàn vì cái chung của chúng sanh đang lầm than đau khổ.b. Về ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm

Phong trào Phật giáo 1963 có ý nghĩa vô cùng lớn không những với với Tăng Ni mà còn với quần chúng tín đồ, Phật tử với bất kỳ ai về tinh thần đấu tranh bất khuất được hun đúc truyền thừa từ Tổ tiên để lại. Tất cả đều giương cao ngọn cờ chính nghĩa của Dân tộc và Đạo pháp, phát huy tinh thần yêu nước triệt để dù cho có thể hy sinh cũng không lùi bước, thậm chí tự nguyện hy sinh đốt mình làm ngọn lửa cảnh tỉnh tất cả chúng sinh còn lầm mê trong vô minh nhằm bảo vệ Đạo pháp. Đây là điều lý giải tại sao tất cả Tăng chúng luôn giữ vững ý chí đấu tranh và kiên trì kham nhẫn hành động bất kể thời gian dù nắng mưa hay ngày và đêm. Tinh thần yêu nước bảo vệ văn hóa Dân tộc ngàn năm ấy được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước[22], tiêu biểu nổi bật lòng nồng nàn yêu nước ấy là Hòa thượng Thích Quảng Đức và các nhà sư Nguyên thủy ngay từ đầu đã có mặt ở chùa Từ Đàm, Huế dự mít tinh, hoặc 40 nhà sư từ chùa Tăng Quang, Huế vào chùa Xá Lợi, Sài Gòn đấu tranh tuyệt thực. Nhất là Tỳ khưu Bửu Phương tay cầm giáo kỳ đi đầu trong các cuộc biểu tình, dù đứng trước tư dinh Đại sứ Mỹ cũng chẳng từ nan.

Phong trào Phật giáo 1963 góp phần làm chính phủ Ngô Đình Diệm bị lật đổ từ chính sách ngông cuồng, tự đào huyệt chôn mình bởi vô minh lầm lạc vì muốn tước mất quyền lợi dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng miền Nam phát triển nhanh chóng. Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 đẩy chế độ độc tài chia rẽ tôn giáo Ngô Đình Diệm phải diệt vong bởi bất kỳ ai chạm vào quyền lợi dân tộc, phục vụ cá nhân và ngoại bang thì những kẻ ấy phải trả giá theo quy luật của xã hội. Phong trào 1963 hình thành từ thiền môn bởi các nhà sư nhập thế bất đắc dĩ, cứu khổ cứu nạn cho Phật giáo và nhân dân miền Trung, miền Nam. Phong trào 1963 trở thành phong trào yêu nước bởi Đời và Đạo nhập vào nhau không còn khoảng cách, mọi giai cấp, tầng lớp, hệ phái, đoàn thể bị hút vào vòng xoáy của bạo lực tham sân si, tham gia bất đắc dĩ nhằm tìm kiếm sự bình an, được thế giới tiến bộ đồng tình tạo áp lực mạnh mẽ buộc Mỹ phải thay ngựa giữa dòng, triều Ngô chấm hết.

Phong trào 1963 đã tạo ra sự liên hệ giữa các đoàn thể và truyền thống Phật giáo trong cả nước, hình thành sự đoàn kết gắn bó mật thiết mà trước đó chưa hề có, tiêu biểu ấn tượng nhất đó chính là khả năng tập hợp lực lượng khéo léo của Phật giáo Nguyên thủy từ việc khánh thành Thánh tích Thích Ca Phật Đài tại núi Lớn Vũng Tàu. Mười ba đoàn thể Phật giáo cùng đứng chung ngọn cờ Đạo pháp và Dân tộc từ sau lễ khánh thành ấy trở thành thành viên của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo, điều kỳ diệu ngoạn mục này khó ai có thể tưởng tượng hay nghĩ ra song nó đã trở thành hiện thực trước sự ngạc nhiên, ngơ ngác của bao người.

Qua phong trào 1963 cũng như suốt chiều dài lịch sử trong từng giai đoạn ở mỗi triều đại khác nhau ít nhiều đều để lại cho ta bài học và kinh nghiệm lịch sử nhằm khắc phục hạn chế và phát huy những giá trị tiềm năng hiện có.

Tuy Phật giáo mục đích là tu hành giải thoát nhưng không vì thế xa lánh thế gian mà ngược lại rất gần gũi với đồng bào, tín đồ Phật tử bởi có đời mới có Đạo nhằm giúp đời tốt đẹp hơn nhất là Đạo rèn luyện 5 giới đạo đức cho bất kỳ ai tầm cầu. Bởi thế cho nên từ thế kỷ II sau Tây lịch, Phật giáo được du nhập đã từng bước đi vào quần chúng nhân dân và có vị trí ngày càng quan trọng đối với các triều đại …Đinh Lê Lý Trần…Chư Tăng ngày càng có cơ hội giúp nước và được phong các phẩm hàm cao quý. Dưới triều Đinh người có công rất lớn trong việc xây dựng nhà nước tự chủ là Thiền sư Ngô Chân Lưu, được vua Đinh ban hiệu Khuông Việt Thái sư và tấn phong Tăng Thống. Nhà Tiền Lê lên thay, Thái sư Khuông Việt cùng Thiền sư Đỗ Pháp Thuận đều tham dự việc quân việc nước, vua Lê đều hỏi ý kiến trước khi đưa ra quốc sách. Vua Lý Công Uẩn lên được ngai vàng chính là nhờ Thiền sư Vạn Hạnh. Dưới triều Lý, Phật giáo được nâng cao trọng vọng lên hàng quốc giáo mà các triều trước đó chưa làm được và sang triều Trần, bước qua sự phát triển vượt bậc hơn đó, Phật giáo tiếp tục được xem là Quốc giáo thì bên cạnh ấy triều Trần thống nhất được Phật giáo cả nước lấy tên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử từ sự tổng hợp tinh hoa của ba dòng thiền: Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi, Thảo Đường và Vô Ngôn Thông. Sự nhập thế và đoàn kết hình thành một tổ chức lớn mạnh của Phật giáo triều Trần đã mở đường cho Phật giáo Việt Nam sau này học hỏi, kế thừa, hình thành các tổ chức Phật giáo. Đây là bài học và kinh nghiệm lịch sử cho Phật giáo Việt Nam nói chung và trong phong trào khác như: chấn hưng Phật giáo hình thành Tổng hội Phật giáo, lãnh đạo phong trào 1963 đi đến thắng lợi về tự do tôn giáo và bình đẳng. Đặc biệt là kinh nghiệm tập hợp lực lượng từ Phật giáo Nguyên thủy tộc người Kinh đã hình thành tổ chức Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật giáo trực tiếp lãnh đạo đấu tranh chống chính sách bất bình đẳng tôn giáo đi đến thắng lợi và thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cuối 1963 đầu 1964 trên nền tảng thống nhất hai tông phái Phật giáo mạnh nhất: Nam tông và Bắc tông.[23]

Từ sau 1975, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hết vai trò lịch sử. Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập, kế thừa và phát huy những thành tựu về tổ chức…, góp phần đem lại an lạc cho quần chúng tín đồ Phật tử cả nước cũng như nước ngoài thông qua các chuyến đi hoằng pháp và kiến tạo chùa tháp những nơi ấy. Tiêu biểu những tự viện được tạo dựng ở nước ngoài theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy tộc người Kinh như Ấn Độ có chùa Đại Lộc, Myanmar xây chùa Đại Phước. Tại thành phố Kerava, Phần Lan chùa Đại Thọ cũng được hình thành….

Kết luận

Phật giáo vốn từ bi trí tuệ và luôn cứu khổ cứu nạn chúng sanh nhưng đôi lúc phải cứu nạn chính mình, dù hỷ xả nhưng bị buộc đấu tranh, nơi nào có áp bức nơi đó có đấu tranh là vậy. Giữ nước và dựng nước, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, phong trào 1963 minh chứng điều đó, mối liên hệ chặt chẽ giữa hai truyền thống Phật giáo Nam tông và Bắc tông mà chúng tôi trình bày bên trên là không thể nghĩ bàn, khắn khít, cùng tranh đấu, cùng chia sẻ.

Phong trào 1963 là một bộ phận của phong trào cách mạng miền Nam, là phong trào yêu nước trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc, chính quyền Ngô Đình Diệm bóp nghẹt Phật giáo nhằm tận diệt những người yêu nước cách mạng theo đạo Phật. Phong trào 1963 đã làm tiêu hao binh lực và vật lực của chính quyền Việt Nam Cộng hòa bởi phải điều bớt quân đội và cảnh sát chống đỡ các cuộc đấu tranh của Phật giáo, tạo điều kiện cho quân giải phóng dễ dàng tiêu diệt các mục tiêu. Tóm lại phong trào 1963 là phong trào đô thị do lực lượng “đầu tròn áo vuông” tiến hành là yếu tố tích cực đẩy nhanh nhà Ngô mau chóng sụp đổ bởi vô minh cuồng vọng lấy tham sân si làm nền tảng.

Tài liệu tham khảo

  1. Thích Hải Ấn, Lê Cung, 2013, tr 183-217.
  2. Lê Cung (2013), 50 năm nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam (1963 – 2013), Nxb Đại Học Huế.
  3. Lê Cung (2008), Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, Nxb Thuận hóa, tr 335.
  4. Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 38.
  5. Nguyễn Quốc Tuấn (2006), Đặc điểm và vai trò của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX, Nxb Bách Khoa Hà Nội, tr. 252.
  6. Thích Thiện Hoa (1970), 50 năm chấn hưng Phật giáo, t1, Viện Hóa Đạo xuất bản, Sài Gòn, tr 62.
  7. Phỏng vấn sư Giới Hỷ, trụ trì chùa Giác Viên, Quảng Nam – Đà Nẵng năm 2014.
  8. Thích Đồng Bổn, 1995, tr 565
  9. Thiện Hậu (2017), Hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh Việt Nam (1938-1963), nxb Hồng Đức, tr 87.
  10. Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2014), Phật giáo nguyên thủy từ truyền thống đến hiện đại, Nxb Hồng Đức, Sài Gòn, tr. 784.
  11. HT Danh Lung, ĐĐ Châu Hoài Thái (2017), Phật giáo Nam tông Khmer đồng hành cùng dân tộc, Nxb Văn hóa –Văn nghệ, tr 27.

Thông tin tác giả

Ths. Nguyễn Ngọc Hùng (SN 1970) hiện là giáo viên lịch sử tại TP.HCM, hoằng pháp viên chùa Bửu Quang (171/10 QL1A, P. Bình Chiểu, TP. Thủ Đức, TP.HCM, VN). Ủy viên Trung tâm nghiên cứu Tôn giáo, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam…, Ủy viên Thường trực Ban Thông tin Truyền thông Trung ương, Phân ban Thông tin Truyền thông Phật giáo Nam tông Kinh Trung ương.

[1] https://nghiencuuquocte.org/2014/05/06/bac-di-cu/. Truy cập ngày 20-3-2023.

[2] Lê Cung (2013), 50 năm nhìn lại phong trào Phật giáo Miền Nam Việt Nam (1963-2013), Nxb Đại học Huế.

[3] Ht Danh Lung, Đđ Châu Hoài Thái (2017), Phật giáo Nam tông Khmer đồng hành cùng dân tộc, Nxb Văn hóa –Văn nghệ, tr 27.

[4] Nam Thanh,1964, tr. 11.

[5] Thích Hải Ấn-Lê Cung, 2013, tr113.

[6] Thích Hải Ấn-Lê Cung (2013), Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam năm 1963, Nxb Thuận Hóa.

[7] Thích Hải Ấn, Lê Cung, 2013, tr 140.

[8] Thích Đồng Bổn, 1995, tr 565

[9] Thiện Hậu (2017), Hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh Việt Nam (1938-1963), nxb Hồng Đức, tr 87.

[10] Nguyễn Đình Chiểu-Cách mạng tháng Tám ngày nay.

[11] Lê Cung (2008), Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, Nxb Thuận Hóa, tr 203.

[12]  Lê Cung (2013), 50 năm nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam (1963 – 2013), Nxb Đại Học Huế.

[13] Thích Hải Ấn, Lê Cung, 2013, tr 183-217.

[14] Phỏng vấn sư Giới Hỷ, trụ trì chùa Giác Viên, Quảng Nam – Đà Nẵng năm 2014.

[15] Phỏng vấn sư Giới Hỷ, trụ trì chùa Giác Viên, Quảng Nam – Đà Nẵng năm 2014.

[16] Thiện Hậu, 2017, (1938-1963), tr 99.

[17] Thiện Hậu, 2017, (1938-1963), tr 100

[18] Thiện Hậu, 2017, (1938-1963), tr 100

[19] Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2014), Phật giáo nguyên thủy từ truyền thống đến hiện đại, Nxb Hồng Đức, Sài Gòn, tr. 784.

[20] Thích Thiện Hoa (1970), 50 năm chấn hưng Phật giáo, t1, Viện Hóa Đạo xuất bản, Sài Gòn, tr 62.

[21] Nguyễn Quốc Tuấn (2006), Đặc điểm và vai trò của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX, Nxb Bách Khoa Hà Nội, tr. 252.

[22] Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 38.

[23] Lê Cung (2008), Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, Nxb Thuận hóa, tr 335.

Liên quan

Theo Dõi

0FansLike
0FollowersFollow
166SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

Bài mới