28.9 C
Ho Chi Minh City
Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024

Ý nghĩa Phật đản PL.2568 – DL.2024: Đức Thế Tôn – Bậc trí hạnh viên mãn

Ý NGHĨA PHẬT ĐẢN PL. 2568 – DL. 2024:

ĐỨC THẾ TÔN – BẬC TRÍ HẠNH VIÊN MÃN

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm
Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự,
Trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN

Tháng Vesak năm 2024 – Phật lịch 2568 đã trở về, cộng đồng Phật tử Việt Nam nói riêng cũng như khắp nơi trên thế giới hân hoan đón mừng kỷ niệm ngày bậc Đạo sư xuất thế. Sự xuất hiện của Ngài như bình minh chiếu soi, vượt thắng ánh sáng chư thiên ở khắp các cõi như trong Kinh Vị tằng hữu pháp diễn bày: “Khi Bồ-tát nhập vào mẫu thai, này Ānanda, một hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư thiên, của các ma vương, phạm thiên, các vị sa môn, bà la môn và loài người. Cho đến các thế giới tối tăm, u ám không có nền tảng, nơi mà mặt trăng, mặt trời không thể chiếu thấu, nơi ấy, một hào quang vô lượng, thắng xa oai lực của chư thiên hiện ra. Các chúng sinh sống tại những nơi này, nhờ hào quang ấy mới thấy nhau mới biết, có những chúng sanh khác sống ở đây”.

Lòng từ bi vô lượng của Ngài đem lại sự mát dịu, giải tỏa những oi bức, nhiệt não của thế gian. “Mong tất cả những ai, hữu tình có mạng sống, kẻ yếu hay kẻ mạnh, không bỏ sót một ai, kẻ dài hay kẻ lớn, trung thấp, loài lớn, nhỏ. Loài được thấy, không thấy, loài sống xa, không xa, các loài hiện đang sống, các loài sẽ được sanh, mong mọi loài chúng sanh, sống hạnh phúc an lạc.” (Kinh Lòng từ, Tiểu bộ 1)

Gần ba thiên kỷ trôi qua, tuệ giác giải thoát và diệu pháp từ bi của Thế Tôn vẫn mãi sáng ngời và luân chuyển ngang công phu tu tập, hoằng hóa của đoàn thể thanh tịnh Tăng. Ngày nào ngôi Tăng còn thể hiện được bản thể hòa hợp – thanh tịnh, thì Đức Thế Tôn vẫn còn thị hiện và giáo pháp vẫn hằng tồn. Chính pháp còn thì tà pháp suy vong; Diệu pháp còn thì mê pháp suy tàn, cũng như ánh sáng hiện thì đêm tối diệt, minh hiện thì vô minh diệt. Chính pháp do tu hành, Diệu pháp nhờ tuyên thuyết. Gọi là Chính vì nương theo pháp đúng, hành trì đúng. Gọi là diệu là vì cả người giảng và người nghe đều phát khởi tín tâm, thực tập giáo pháp mang lại kết quả tịnh lạc. Nhờ vậy mà Chính pháp được cửu trụ.

Theo Kinh Tăng chi bộ, chương V, mục Diệu pháp hỗn loạn, Đức Thế Tôn dạy, “có năm pháp khiến cho diệu pháp an trú, không biến mất là cẩn trọng nghe pháp; cẩn trọng học pháp; cẩn trọng thọ trì pháp; cẩn trọng quan sát ý nghĩa pháp được thọ trì và cẩn trọng thực hành pháp và tùy pháp sau khi hiểu ý nghĩa pháp. Và, ngược lại năm điều này sẽ khiến diệu pháp hỗn loạn, biến mất.” Thái độ nghiêm cẩn, thận trọng, chính niệm, tỉnh giác để nghe pháp, học pháp, giữ pháp, chiêm nghiệm nghĩa lý pháp và thực hành pháp chính là thông điệp mà Thế Tôn truyền cho cả người hoằng dương giáo pháp và thính chúng. Nếu hoằng pháp xa rời Phật ngôn thì không còn là diệu pháp. Nghe pháp mà không thực hành, làm sao nếm được hương vị chính Pháp an lạc và giải thoát!

Là đệ tử Phật dù xuất gia hay tại gia phải luôn chính tín Tam Bảo, giữ tâm bồ đề bất thoái; giữ giới pháp đã lĩnh thụ và giữ tâm an nhiên tĩnh lặng trước những thách thức của thế gian. Trong một pháp thoại nhân dịp xuân mới Giáp Thìn, Đức đệ tứ Pháp chủ đã dạy người học Phật cần phải thực tập ba điều “Phát huy trí tuệ, giữ gìn phẩm hạnh và chọn cộng sự để hành đạo”.

Điều đầu tiên, người tu sĩ cần lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Trong Kinh Bát Đại Nhân Giác, Đức Phật dạy “duy tuệ thị nghiệp”. Có trí tuệ sẽ thấy được vạn pháp đều do duyên; nhờ vậy sống tùy thuận pháp nên mọi chuyện trở nên tốt đẹp. Nền tảng phát sinh tuệ là tâm an tịnh (được nuôi dưỡng bằng kinh điển, giáo pháp). Tâm an tịnh sẽ chuyển được cảnh tịnh, biết việc gì nên làm, người nào nên gặp và nơi nào nên đến. Thiếu tuệ khiến lòng phát sinh suy nghĩ lo lắng, bất an, không có chính kiến, chính tư duy khiến cuộc sống trở nên bất như ý.

Điều thứ hai, người học Phật cần có phẩm hạnh thanh tịnh, đó là sống không phạm lỗi lầm, mỗi việc làm đúng đắn không ai chê trách thì cái xấu không đến được, người xấu không hại được. Người có phẩm hạnh là người thân, khẩu, ý thanh tịnh. Nếu có ai xuyên tạc, chê bai thì đó là cơ hội để phản chiếu tự thân. Bậc trí là người biết lắng nghe, lấy gièm pha làm hệ qui chiếu, nhìn vào chính mình để thấy mình mà sửa chữa khiếm khuyết, tẩy trừ lỗi lầm, hoàn thiện bản thân.

Điều thứ ba là chọn cộng sự để hành đạo. Người có trí, có hạnh sẽ chọn người đồng hạnh, đồng nguyện, khuyên nhau tu tập, bảo nhau hành đạo. Người thiếu trí thiếu hạnh sẽ chọn người tương thích và đó là nguy cơ của một hội chúng ô hợp. Từ đó đấu tranh, khẩu tranh, luận tranh xảy ra, và khổ đau có mặt trên đời.

Năm 2024, Phật lịch 2568 – năm thứ hai của nhiệm kỳ IX GHPGVN là bước tiến cho sự phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng cùng đất nước, đóng góp hơn nữa trí tuệ Phật giáo, giải quyết các vấn nạn toàn cầu, đồng thời, tiếp tục hạnh nguyện nhập thế, phục vụ chúng sinh, ích đạo lợi đời, tiếp nối đạo mạch, truyền bá chân lý, củng cố Tăng đoàn, xây dựng Giáo hội trang nghiêm, đồng lòng quán triệt Điều 10, Nghị quyết Đại hội IX GHPGVN: “Tăng Ni, Cư sĩ, tín đồ Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài tinh tiến tu tập, thực hành lời dạy của Đức Phật; luôn luôn nêu cao khẩu hiệu: Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển để chung sức, chung lòng xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc”. Điều này mang nghĩa lớn ở đời, bồi dưỡng Tăng tài, quyết không lùi bước. Lấy chí cao vào Đạo, xiển dương giáo Pháp, chẳng quản gian nan. Đồng thời, Phật giáo Việt Nam tiếp tục là cầu nối giữa Phật tử kiều bào, các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài hướng về, chung tay cùng ngôi nhà chung, góp phần xây dựng, bảo vệ đất nước. 

Do đó, trong khoảnh khắc thiêng liêng, hãy hướng tâm về Thánh tượng đản sinh tôn nghiêm của Đức Từ phụ, dâng lên Ngài phẩm vật thiết thực và cao quý nhất chính là chí nguyện phát tâm phụng sự, dấn thân mang giáo Pháp vi diệu của Thế tôn vào đời để Phật hoá thế gian. Dù xuất gia hay tại gia, mỗi người đệ tử Phật, nỗ lực tham gia cùng Giáo hội, củng cố và xây dựng Tăng đoàn, nuôi dưỡng bồ đề tâm, giữ vững niềm tin bất hoại, khuyến thiện, hành thiện, giúp người Phật tử chân chính tin sâu nhân quả, hiểu rõ phúc đức, rèn luyện trí tuệ, ứng dụng nhuần nhuyễn giáo pháp vào đời sống thường nhật; chuyển tải thông điệp hoà bình và an lạc mà BậcThầy của ba cõi, Đạo sư của muôn loài đã trao truyền nhằm mang lại hạnh phúc, an lạc cho tự thân, gia đình và xã hội; góp phần xây dựng quốc gia phồn thịnh, thế giới thanh bình, nhân dân an lạc.

Liên quan

Theo Dõi

0FansLike
0FollowersFollow
172SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

Bài mới